Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Canada trong tháng 5/2021 đạt 20,8 triệu USD, tăng 138,1% so với tháng 5/2020.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Canada đạt 104,3 triệu USD, tăng 69,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam tới thị trường Canada, trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ chiếm 89,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Canada, đạt 74,76 triệu USD, tăng 60,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Canada tăng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường Việt Nam |
Trong đó, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng ngủ là 3 mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất tới thị trường Canada. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp, ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt tốc độ tăng trưởng rất cao sang thị trường Canada.
Đáng chú ý, gỗ và ván sàn xuất khẩu tới thị trường Canada đạt 5,1 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2021, tăng 203,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là mặt hàng gỗ mỹ nghệ đạt 268 nghìn USD, tăng 472,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Canada, sau thời gian tạm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường nhà đất ở Canada bắt đầu nóng lên kể từ tháng 5/2020 đến nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là lý do chính khiến nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada tăng mạnh trong thời gian qua.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê Canada, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 847,84 triệu USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Canada tăng mạnh nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc và Việt Nam. Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 326,1 triệu USD, tăng 73,9%; Việt Nam đạt 152,1 triệu USD, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng nhanh trong nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam vào thị trường Canada nhiều rủi ro. Cụ thể, từ ngày 5/5/2021, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (Cơ quan điều tra – CBSA), quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với ghế bọc đệm từ Trung Quốc và Việt Nam. Đối với Việt Nam, ngoài 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bị Canada áp thuế bán phá giá và trợ cấp với sản phẩm ghế ngồi bọc nệm từ 17,44% - 89,77%, tất cả các công ty còn lại khi xuất mặt hàng này sang Canada đều bị áp mức thuế 101,5%.
Ngành công nghiệp nội thất Canada là một trong 10 nhà sản xuất đồ nội thất hàng đầu trên thế giới và quốc gia này có chuyên môn cao trong lĩnh vực sản xuất đồ nội thất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do nhập khẩu tăng nhanh và xuất khẩu giảm, nên Canada đã chuyển sang nhập khẩu ròng các sản phẩm nội thất.
Hiện tại, các nhà bán lẻ Canada, thật khó khăn để tìm nhà cung cấp mới ở các nước khác, trong khi nếu sử dụng nguồn cung trong nước thì thời hạn giao hàng có thể lên đến một năm do hoạt động sản xuất bị dồn ứ tại các nhà máy.
Nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Canada đối với các sản phẩm châu Á rất quan trọng đối với những người có thu nhập trung bình và thấp, những người không đủ khả năng mua các sản phẩm được sản xuất tại Canada.
Do đó, việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với ghế bọc đệm từ Trung Quốc và Việt Nam, khiến các nhà sản xuất và bán lẻ của Canada gặp nhiều khó khăn trong việc bán sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Vì vậy, các nhà bán lẻ Canada phản đối mức thuế trên và cho rằng mức thuế này quá lớn, cao hơn nhiều so với những gì mà bên nguyên muốn tìm kiếm trong cuộc điều tra.
Hội đồng bán lẻ Canada (RCC) đã thành lập một liên minh các nhà bán lẻ để phản đối mức thuế mới. Các mức thuế này vẫn có thể thay đổi khi CBSA đưa ra quyết định cuối cùng vào đầu tháng 8/2021. Vụ việc này sẽ được đưa ra Tòa án Thương mại Quốc tế Canada vào tháng 9/2021.
Canada là quốc gia có ngành công nghiệp gỗ rất mạnh với sản lượng lên tới 600 triệu m3/năm. Nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada tiếp tục tăng mạnh, trong bối cảnh ngành công nghiệp nội thất nước này giảm sản xuất trong nước do không thể cạnh tranh được với các thị trường nước ngoài có lợi thế chi phí rẻ hơn, trong đó có Việt Nam.
Với việc tham gia Hiệp định CPTPP, các sản phẩm đồ gỗ, nội ngoại thất của Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Canada do được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Ngoài ra, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh sang thị trường Canada, các doanh nghiệp còn có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Bắc Mỹ, bởi Canada là cửa ngõ quan trọng của khu vực này.