Hà Nội: Tăng cường kiểm tra các sản phẩm thuốc lá mới Bộ Y tế cảnh báo: Ngày càng nhiều học sinh phải cấp cứu vì ngộ độc thuốc lá điện tử |
Gia tăng tình trạng ma túy "núp bóng" thuốc lá điện tử
Tại hội thảo cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến mua bán, sử dụng thuốc lá mới do Bộ Y tế tổ chức ngày 27/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tại Việt Nam, trong 3 năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng.
Gia tăng số học sinh hút thuốc lá và thuốc lá điện tử |
Theo kết quả nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội, do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020: Tỷ lệ học sinh đang sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp từ 8 - 12 là 8,35%, lớp 10 - 12 là 12,6%.
Cũng theo kết quả khảo sát này, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, đến năm 2020 đã tăng 18 lần.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cũng thông tin, ba năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng. Các sản phẩm của thuốc lá điện tử hầu hết được đưa về Việt Nam theo đường xách tay, nhập lậu.
Việc mua bán chủ yếu thực hiện qua mạng Internet; trao đổi, mua bán trên hội nhóm; một số điểm trưng bày và bán sản phẩm ở những nơi có nhiều đối tượng sử dụng, đáng lo ngại có điểm bán lén lút gần khu vực trường học.
Số liệu thống kê năm 2022, lực lượng quản lý thị trường toàn quốc đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng hơn 2.190 vụ; số xử lý trên 1.600 vụ, số lượng bao thuốc và tương đương xử lý trên 126.000 bao; số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên 10.000 sản phẩm các loại. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 7,7 tỷ đồng.
Riêng 3 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính khoảng 7.200 sản phẩm thuốc lá điện tử.
Báo cáo từ các địa phương cho thấy, năm 2022, toàn quốc phát hiện bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng "núp bóng" thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử; trong đó ma túy được tẩm ướp vào thảo mộc, thuốc lá điện tử lên tới 32 vụ, 58 đối tượng.
Cơ quan chức năng khẳng định: Có sự gia tăng tình trạng ma túy "núp bóng" dưới hình thức các loại hàng hóa tiêu dùng thông thường. Nổi lên là việc tội phạm thực hiện hành vi pha trộn, tẩm ướp các chất kích thích, ma túy mới dưới dạng thảo mộc hoặc dung dịch để sử dụng dưới dạng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Người sử dụng các loại hàng hóa pha trộn, tẩm ướp này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Cần thiết bảo vệ sức khỏe người dân
Là một trong những địa chỉ cấp cứu nhiều trường hợp ngộ độc ma túy hoặc các chất gây nghiện, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cảnh báo: Có nhiều trường hợp cấp cứu vì ngộ độc ma túy, cần sa tổng hợp tẩm trong thuốc lá điện tử sau khi sử dụng loại sản phẩm này. Một số bệnh nhân đột quỵ não, tổn thương đa tạng, hôn mê, co giật, tổn thương tim, sốc, suy thận... Xét nghiệm các loại thuốc lá điện tử bệnh nhân hút đã phát hiện cần sa tổng hợp 5F-ADB, ADB-BUTINACA...
Tại hội thảo, đại diện Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới |
Để bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt giới trẻ, nhất là các em học sinh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong trường hợp cho phép nhập khẩu, lưu hành tại Việt Nam thì tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điện tử.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nêu rõ quan điểm của Bộ Y tế là bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên. Các cơ quan chức năng cần phải bảo vệ giới trẻ. |