Thời gian qua, các đơn vị thi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang tập trung nhân lực, vật lực để chạy đua với tiến độ. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị thi công gặp khó do đường điện cao thế chưa được di dời.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thành phần 2 có 3 đường dây 220kV thuộc Công ty Truyền tải điện 4 và Truyền tải điện miền Tây 1 quản lý và một đường dây 110kV thuộc Công ty Điện lực Cần Thơ quản lý. Trong đó, chiều dài đường dây cao thế phải nâng tĩnh không và di dời khoảng 1 km (mỗi vị trí khoảng 250 m).
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang gặp nhiều khó khăn do đường điện cao thế chưa được di dời. (Ảnh: Báo Giao Thông). |
Ông Đặng Hoàng Vĩnh, Giám đốc Ban điều hành cao tốc (thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ - chủ đầu tư dự án) cho biết, toàn bộ chi phí di dời đường dây điện trung và hạ thế trên toàn tuyến với gần 26 tỷ đồng đã được phê duyệt. Riêng đường dây cao thế, đơn vị tư vấn thiết kế đang triển khai công tác thiết kế để trình thẩm định, giá trị dự kiến khoảng 51,3 tỷ đồng.
“Đề nghị các địa phương sớm kiểm tra và đẩy nhanh tiến độ thiết kế cũng như trình thẩm định, phê duyệt để sớm di dời các đường dây này, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, đề nghị các bộ, ngành Trung ương cũng như điện lực tăng cường hỗ trợ và giúp đỡ cho thành phố trong việc di dời các đường điện cao thế này”, ông Vĩnh chia sẻ.
Tại TP. Cần Thơ, dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn với chiều dài hơn 37 km, có 4 đường điện cao thế 110 và 220 kV. Tuy nhiên, các đơn vị thi công đang lo lắng bởi việc di dời các trụ điện đang rất chậm. Hơn nữa, việc thi công dự án dưới đường điện tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, chỉ huy giám sát kỹ thuật, Tập đoàn xây dựng Định An (một trong đơn vị thi công dự án) cho biết: “Nếu mà cứ để như thế sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công và rất nguy hiểm cho quá trình chúng tôi thi công. Do vậy là làm sao các nhà chức trách và tất cả các đơn vị có liên quan giải quyết và di chuyển cho chúng tôi càng sớm càng tốt để cho đảm bảo được tiến độ thi công”.
Liên quan đến việc di dời, UBND TP. Cần Thơ đã giao Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai thực hiện. Hiện, đơn vị tư vấn thiết kế đang tổ chức khảo sát, lập hồ sơ thiết kế và dự toán di dời để trình thẩm định.
Ông Huỳnh Thanh Sử - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho Vuasanca biết, ngày 14/5, Sở Công Thương Cần Thơ có Công văn số 1242/SCT-QLNL về việc khẩn trương di dời đường điện cao thế, trung, hạ thế ảnh hưởng bởi dự án. Tuy nhiên, đến nay tiến độ di dời các đường điện vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, đối với di dời lưới điện trung, hạ thế (địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai) đã phê duyệt kinh phí bồi thường, đang thực hiện thủ tục chi trả. Sở Công Thương yêu cầu các địa phương này sớm chi trả kinh phí bồi thường cho ngành điện để tổ chức di dời.
Đối với lưới điện 110kV (địa bàn huyện Vĩnh Thạnh), Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc nhưng đến nay Sở chưa nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định di dời lưới điện 110kV.
Đối với lưới điện cao thế 220kV (địa bàn huyện Cờ Đỏ và huyện Thới Lai), ngày 22/9/2023 UBND thành phố đã có Công văn số 3863/UBND-KT giao Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ và Thới Lai tổ chức thực hiện di dời. Hiện đơn vị tư vấn thiết kế đang thực hiện hoàn thiện hồ sơ thiết kế - dự toán di dời.
Theo tìm hiểu, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài hơn 188 km, với 4 dự án thành phần đi qua 4 tỉnh.
Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2 km; dự án thành phần 2 tại TP. Cần Thơ dài 37,2 km; dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37 km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9 km.
Là 1 trong 3 cao tốc trục ngang của Đồng bằng sông Cửu Long (cùng với Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - An Hữu), dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc TP. Châu Đốc (An Giang) và điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng).
Tuyến cao tốc được khởi công toàn tuyến vào tháng 6/2023, dự kiến hoàn thành toàn tuyến và đưa vào sử dụng trong năm 2027. Dự án sẽ góp phần kết nối hoàn chỉnh hệ thống cao tốc trục ngang - trục dọc trong khu vực, mở ra không gian phát triển mới, kết nối các trung tâm kinh tế, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hoá, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, giảm chi phí logistics.