Cấp bách số hoá ngành y tế để chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt hơn
Đây là thông tin được các chuyên gia, diễn giả chia sẻ tại hội thảo cấp cao về y tế số 2021 - Digital Healthcare Summit do IDG Việt Nam phối hợp cùng Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 30/12.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh ngành y tế đã có những bước chuyển đổi số mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực từ khám chữa bệnh, dự phòng, dân số, khoa học công nghệ… Ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) - cho biết: Thời gian qua, ngành y tế đã nỗ lực tập trung xây dựng và triển khai các khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó, về Chính phủ điện tử, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước. 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành, thư điện tử đã thực hiện trên môi trường mạng và được ký số. Bộ Y tế đã khai trương Cổng dịch vụ công Bộ Y tế vào năm 2019. Đến ngày 30/6/2020 đã hoàn thành 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Cũng theo ông Nguyễn Trường Nam, trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh, 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim, có 26 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; hằng năm các bệnh viện đã đánh giá mức độ ứng dụng CNTT theo 7 mức quy định tại Thông tư số 54/2017/TT-BYT, là cơ sở và mục tiêu để các bệnh viện đẩy mạnh ứng dụng CNTT.
Ngoài ra, việc triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa”, đã kết nối 1.800 điểm cầu tư vấn khám, chữa bệnh từ xa trên cả nước, có sự tham gia của một số cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, trong đó có một số bệnh viện của nước bạn Lào và Campuchia đã đăng ký làm bệnh viện tuyến dưới của bệnh viện lớn Việt Nam.
Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ngành y tế đã thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ ung thư tại một số bệnh viện, như: Bệnh viện K, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh…
Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, công tác số hóa ngành y tế vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, khiến cho kết quả, hiệu quả nhiều hoạt động chưa đạt kỳ vọng. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam nêu quan điểm: Lợi ích từ phát triển y tế số là khá rõ ràng, cụ thể giúp giảm sai sót/ chống gian lận về thanh toán bảo hiểm y tế; tiết kiệm từ thủ tục hành chính/ thời gian cho các bên tham gia. Đặc biệt là việc tối ưu hóa chi phí/ hiệu quả tài chính của điều trị/ chăm sóc sức khoẻ nhờ phân tích chi phí lợi ích từ phác đồ điều trị.
Dù vậy theo ông Đồng, hiện nay cái khó là Việt Nam chưa có sự kết nối dữ liệu và chưa có khả năng chia sẻ; khai thác; Dữ liệu bị hạn chế giá trị sử dụng: trong nội bộ; và phục vụ quản lý hành chính; Có dữ liệu nhưng không thể khai thác, không đủ điều kiện khai thác. Điều này xuất phát từ quyền và các nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể chưa được phân định, do đó không thể khai thác.
Để khắc phục và giúp ngành y tế phát triển, ông Đồng khuyến nghị cần có quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, từ đó cụ thể hoá cho lĩnh vực y tế. Ngoài ra cần phân định quyền dữ liệu của các chủ thể ‘công dân’ (chủ thể dữ liệu) - Bên kiểm soát dữ liệu - bên xử lý dữ liệu.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung giới thiệu các hệ thống quản trị y tế thông minh, trao đổi thông tin y tế tầm quốc gia cũng nhưng các kiến nghị, giải pháp cùng mô hình công nghệ trong khám chữa bệnh từ xa.