Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca Mặt đường khát vọng, viết:
Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển, cũng viết:
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa.
Rõ ràng, biển, đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc thân yêu.
Đất nước, trong đó có vùng biển thân yêu, thiêng liêng là thế. Chả thế mà suốt dặm dài của lịch sử, mỗi thước đất, mỗi tấc biển, mỗi hòn đảo luôn luôn được cha ông gìn giữ, nâng niu. Các triều đại phong kiến trong lịch sử, nhất là các vua nhà Nguyễn, rất chú trọng việc giữ gìn biển đảo quê hương. Theo chính sử của Triều Nguyễn, đội Hoàng Sa được lập từ đầu "bản triều", tức thời các chúa Nguyễn. Lúc bấy giờ chúng ta đã thiết lập bộ máy chính quyền ở phía Nam Tổ quốc và hoạt động liên tục trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa suốt hơn ba thế kỷ. Hàng năm, Chúa Nguyễn, rồi vua Nguyễn đều cử đội Hoàng Sa gồm 70 suất đinh được tuyển chủ yếu từ dân làng An Vinh, An Hải của huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ra cai quản quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những công dân quả cảm này đã vượt muôn trùng sóng gió, bão tố, bám trụ trên hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc và trong đó có rất nhiều người đã vĩnh viễn ở lại lòng biển cả mênh mông.
Bởi thế đã từ bốn trăm năm trước, ở Lý Sơn đã hình thành mỹ tục Khao lề thế lính hàng năm, và được duy trì cho tới ngày nay. Lễ Khao lề thế lính được tổ chức theo lễ thức truyền thống của các tộc họ trên đảo, tái hiện những đội thuyền năm xưa đi ra bảo vệ vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Trong đó, ngoài việc cúng tại các nhà thờ của từng tộc họ, các tộc họ lại cùng nhau tổ chức lễ tại đình làng, rồi lễ thả thuyền, hội đua thuyền... Một lễ hội vừa thể hiện sự tri ân, uống nước nhớ nguồn đối với những người gìn giữ hải phận nói chung và hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu, vừa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo mà ông cha đã không tiếc máu xương giữ gìn.
*
Tại trung tâm thành phố Thanh Hóa, đền thờ Bác Hồ uy nghiêm mà gần gũi. Ngày ngày người dân xứ Thanh thành kính vào viếng Bác. Trong đền thờ có 21 viên đá Trường Sa và cây bàng vuông do quân và dân huyện đảo Trường Sa gửi tặng.
Cây bàng quả vuông là một loại cây độc đáo chỉ có ở Trường Sa. Cây có hoa trắng mọc thành chùm, còn quả thì hình đèn lồng 4, hoặc 5 cạnh vuông, nên được gọi là cây bàng vuông.
Hai cây bàng quả vuông được trồng tại khuôn viên đền thờ Bác Hồ ở thành phố Thanh Hóa. Đền thờ Bác Hồ, không gian linh thiêng, nơi quần tụ của rất nhiều cây trái nay lại thêm sự tỏa bóng của cây bàng quả vuông, một loại cây vốn chịu nhiều phong ba bão tố ngoài khơi xa, loài cây có sức sống mãnh liệt, đã thay mặt ngàn vạn cây rừng nội địa đứng nơi hải đảo, vị trí tiền tiêu, canh giữ và khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Cây bàng quả vuông lớn lên giữa lòng đất mẹ cũng thêm khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa không xa; cũng thêm khẳng định Thanh Hóa và cả nước luôn bên Trường Sa, Hoàng Sa...
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, biển đảo luôn luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt, là phên dậu bảo vệ sườn phía đông của Tổ quốc. Bằng công sức, mồ hôi và cả tính mạng của bao đời các thế hệ người Việt Nam đã xác lập, quản lý, khai thác và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển Đông và hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Những tảng đá san hô của quần đảo Trường Sa được đưa về đất liền là minh chứng vô giá khẳng định chân lý về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; thể hiện ý chí, nghị lực và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung, của quân và dân huyện đảo Trường Sa nói riêng. Những hiện vật có ý nghĩa rất sâu sắc, góp phần giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng cho thế hệ trẻ.
Trong tiết xuân Hạc thành, hai cây bàng Trường Sa xòe tán lá rộng đón những hạt mưa bụi li ti. Hai cây bàng cùng với hai mươi mốt phiến đá chủ quyền như hai mươi mốt người lính, hàng tiêu binh danh dự chào đón người dân xứ Thanh vào chiêm ngưỡng kỷ vật biển khơi và viếng Bác. Việc đặt những viên đá chủ quyền và trồng cây bàng vuông Trường Sa nơi tưởng niệm vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc, chính là thể hiện tấm lòng, là niềm tin bất diệt của người dân xứ Thanh đối với những người đang ngày đêm canh giữ đảo nơi trùng khơi.
Trường Sa, Hoàng Sa là một phần máu thịt của Tổ quốc chúng ta. Đó là chân lý, không thể đổi thay.
Xin được lấy câu thơ của thi sỹ Chế Lan Viên để kết thúc bài viết này:
Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng.
Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...
Thành chim Hạc, tháng 1/2022