CEO Lương Thanh Hạnh: Thổi hồn vào lụa Việt
Khởi nghiệp với lụa
Đang có công việc ổn định và thu nhập cao trong lĩnh vực nội thất với sản phẩm rèm, năm 2012, chị Lương Thanh Hạnh nảy ra ý định sản xuất và kinh doanh sản phẩm lụa tơ tằm, đũi khi nhận thấy nhiều khách hàng có nhu cầu làm rèm từ vật liệu này. Chị quyết định thành lập Công ty Cổ phần Thương mại Hanhsilk, rồi rong ruổi khắp mọi miền đất nước cũng như nước ngoài để tìm hiểu về lụa tơ tằm.
Cuối cùng, cô gái sinh năm 1985 quyết định chọn làng dệt đũi Nam Cao (tỉnhThái Bình) để sản xuất, cung cấp nguyên liệu, bởi chất liệu vải tại đây có sự khác biệt. Vải đũi thô nhưng không ráp, có thể thiết kế ra nhiều sản phẩm khác nhau, còn vải lụa tơ tằm thì mềm.
Khi bắt tay vào kinh doanh, chị gặp không ít khó khăn vì làng nghề đã mai một. Chị đã phải nhiều lần thuyết phục người dân trong làng trở lại làm nghề, rồi cất công đi tìm thị trường trong và ngoài nước.
Chị Lương Thanh Hạnh kể, khi đưa ý tưởng khôi phục sản xuất của làng nghề truyền thống và làm thương hiệu xuất khẩu đến với bà con nông dân làng nghề dệt đũi Nam Cao, chị gặp phải không ít sự nghi ngờ. Bà con muốn làm thương hiệu từ lâu, nhưng thị trường không có, làm ra biết bán đi đâu, mà nghề này thì vất vả sớm hôm...
Bằng sự kiên trì vận động, xắn tay cùng làm với bà con, tâm huyết của chị đã được đền đáp. Từ năm 2016, Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao được thành lập với 30 thành viên, do chị Lương Thanh Hạnh làm Chủ nhiệm. Ngoài ra, toàn xã Nam Cao có khoảng 90 hộ dân quay lại với nghề dệt để cung cấp lụa đũi cho hợp tác xã và mở rộng vùng trồng dâu, nuôi tằm và hình thành chuỗi sản xuất - cung ứng khép kín.
Lý giải vì sao chọn một làng nghề mai một để phát triển, chị Lương Thanh Hạnh cho rằng: Giữa thời điểm công nghiệp hóa, máy móc dần thay thế con người, các sản phẩm lụa trên thị trường khó giữ được cái "chất" ban sơ. Do đó, chị trân trọng các sản phẩm làm thủ công và mong muốn giữ nguyên cái hồn của đũi, lụa.
"Ngay từ khi thành lập, hợp tác xã đã đưa ra chiến lược chinh phục khách hàng bằng những giá trị "chất" và "thật", sản xuất xanh, tiêu dùng sạch. Từ những chiếc kén, tấm đũi thô mộc trở thành những sản phẩm tinh xảo như khăn tay, áo dài, khẩu trang, chăn gối… trải qua gần 20 công đoạn như: Nuôi tằm, nhả tơ, thu kén, kéo đũi, quay tơ, đánh ống và dệt vải, nhuộm vải, thiết kế…" - chị Hạnh chia sẻ.
Sau hơn 6 năm, Hanhsilk đã có 2 vùng nguyên liệu, đáp ứng đủ cho đơn hàng xuất khẩu đa dạng, từ vải đũi, lụa tơ tằm, khăn, vòng lụa, chăn ga gối lụa thêu tay và đặc biệt là dòng sản phẩm khăn mặt, khăn tắm tự nhiên 100% tơ tằm… Một vùng trồng dâu được phát triển tại Vũ Thư, Thái Bình với diện tích khoảng 700ha.
Với tư duy mới, con người mới, Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao đã từng bước khôi phục làng nghề, đưa lụa đũi Nam Cao trở lại thời hoàng kim. Doanh số trung bình 40 tỷ đồng mỗi năm, hợp tác xã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Đưa lụa Việt vươn xa
Từ năm 2016 đến nay, Công ty Cổ phần Thương mại Hanhsilk luôn có sản phẩm được bình chọn là "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" như: Khẩu trang tơ tằm, chăn tơ tằm, kén tằm mát xa tự nhiên... Ngoài ra, nhiều lần doanh nghiệp giành giải trong các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩmthủ công mỹ nghệ Hà Nội… doanh thu tăng dần qua từng năm. Đặc biệt, năm 2021 dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng lượng sản phẩm bán ra vẫn cao hơn năm trước.
Để sản phẩm được nhiều người biết đến, chị tham gia các hội chợ về sản phẩm tơ lụa ở trong và ngoài nước. Đến nay, doanh nghiệp đã có hơn 1.000 loại sản phẩm, 80% được tiêu thụ tại thị trường: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Lý giải việc thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 20% số lượng đơn hàng, theo chị Hạnh, sản phẩm lụa tơ tằm mang thương hiệu Hanhsilk không phải sản xuất dây chuyền hàng loạt, mà là hàng được làm thủ công, đòi hỏi sự công phu cần mẫn của nghệ nhân. Mỗi sản phẩm là quá trình sản xuất thủ công kết hợp với óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người thợ dệt Nam Cao, cùng những họa tiết vẽ tay riêng biệt, độc bản, giá trị văn hóa kết tinh trong sản phẩm là rất lớn. Hanh Silk vì thế cũng khó tìm chỗ đứng trong thị trường nội địa với mức giá thành sản phẩm khá "chát" mà phải tìm cách vươn ra biển lớn. Đó chính là lý do thôi thúc chị Lương Thanh Hạnh thường xuyên "mang chuông đi đánh xứ người" tại các hội chợ quốc tế ở nước ngoài.
Chị Hạnh nhớ lại, 2 kỳ mang sản phẩm đi tham dự Tuần lễ Hàng Việt Nam tại Bangkok (Thái Lan) năm 2017 và 2018, sau mỗi chuyến đi, chị đã có đơn hàng xuất khẩu sang thị trường nước này và duy trì đều đặn đến nay. Tại Nhật Bản, từ nhiều năm trước, chị Lương Thanh Hạnh đã triển khai kế hoạch đưa lụa, đũi tơ tằm mang thương hiệu Hanhsilk sang quảng bá, giới thiệu tại thị trường này và chị đã thành công. Vài năm nay, sản phẩm khăn mặt và khăn tắm tơ tằm Hanhsilk đã đến Nhật. Các mẫu chăn, ga và rèm cửa Hanhsilk cũng đang ngấp nghé bước chân vào thị trường khó tính này.
Tuy nhiên, để có được những thành quả đó, bà chủ Lương Thanh Hạnh đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, cải tiến sản phẩm mới đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính như: Nhật, Thái Lan, Nga, Hàn Quốc, Đức...
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển mặt hàng cao cấp, đặc biệt là sản phẩm nội thất, đồng thời mở rộng thị trường quốc tế để thêm nhiều người biết đến sản phẩm đũi, lụa tơ tằm của Việt Nam" - chị Lương Thanh Hạnh chia sẻ.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: //www.hanoi-sme.vn/thong-bao-chuong-trinh-ho-tro-khoi-nghiep-sang-tao/ |