Chân dung ông chủ Khu công nghiệp Lương Sơn
- Đột phá
Hiếm cuộc phỏng vấn nào lại được xếp vào 7 giờ sáng như lịch hẹn với ông Vũ Duy Bổng. Vậy mà dường như ông đã bắt đầu công việc từ trước đó. Nếu không biết, chắc không thể đoán con người hào hứng với các cụm từ đổi mới, dấn thân, đột phá… như ông đã sang tuổi 57.
Ông Bổng đang được biết đến trong vai trò là chủ đầu tư của Khu công nghiệp Lương Sơn, khu công nghiệp đầu tiên và có quy mô đầu tư lớn nhất tỉnh Hoà Bình. Nhưng ít ai biết, cách đây gần 20 năm, ông khởi nghiệp với một công ty chuyên kinh doanh bất động sản, khách sạn, dịch vụ vận tải quy mô vừa phải và mang tính chất gia đình, Công ty TNHH Ngọc Thảo tại Hà Nội.
Vào năm 2005, ông quyết định đầu tư vào Khu công nghiệp Lương Sơn tận… Hòa Bình. Không kể việc đầu tư dự án khu công nghiệp đối với ông, và với nhiều nhà đầu tư Việt Nam, khi đó vẫn còn khá xa lạ, mà ngay quyết định chọn tỉnh miền núi Hòa Bình để tạo sự nghiệp lớn của ông khiến không ít người nghi ngờ.
“Có lẽ cũng là cơ duyên, khi tôi có một lời hứa phải làm gì đó để thúc đẩy công nghiệp của Hòa Bình. Lúc đó, thú thực tôi chưa hiểu hết về phân khúc này. Chỉ cảm nhận là khá hấp dẫn khi nhìn thấy lợi thế của người tiên phong, được hỗ trợ từ ngân sách dành cho địa phương miền núi. Khoảng cách mà nhiều người kêu xa cũng không phải là vấn đề khi tôi đi khảo sát một số khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc, Bình Dương và ở một số nước xung quanh. Nhưng cũng biết được các lợi thế này lại là bất lợi khi giao thông khi đó rất kém, để đi từ Hoà Bình ra đến các cửa khẩu hàng không, đường biển, đường sắt gần nhất cũng mất vài giờ đồng hồ…”, ông Bổng trầm ngâm về những ngày ông gọi là “vác sách đi học” về khu công nghiệp.
Nhìn lại, có thể nói, thế mạnh nhất của ông khi đó là quyết tâm và sự nhạy bén về cơ hội kinh doanh mới. Chưa có kinh nghiệm, ông học hỏi nhiều nơi, dốc toàn lực của bản thân, tìm cách tuyển chọn cộng sự giỏi, tâm huyết cùng lên Hòa Bình. Chính thế khó của người mới lại tạo động lực để ông bình tĩnh, cẩn trọng và rút kinh nghiệm từ nhiều người đi trước.
“Cũng là kinh nghiệm của bản thân từ những ngày đầu lập nghiệp, nếu thiếu chữ tín trong kinh doanh và chữ nhân trong quan hệ xã hội, chúng tôi sẽ không thể làm nên An Thịnh Hòa Bình ngày hôm nay”, ông chia sẻ.
Cũng không dễ áp dụng được bài học kinh nghiệm có thể coi là chân lý này. Nghe ông kể, trước khi bắt tay vào triển khai dự án, ông đã bàn với ban lãnh đạo công ty là phải đầu tư tập trung để sớm có quỹ đất thương phẩm. Tính toán đơn giản của người kinh doanh là phải có sản phẩm thì mới có hàng đi chào. Hơn nữa, phải tính trượt giá, làm nhanh ngày nào, lợi ngày đó. Rồi thì mình làm cho mình, nên phải chắc chắn, đường người ta lu 5 lần, mình phải lu 7 lần, cây cối, môi trường phải xanh, sạch, để hấp dẫn các nhà đầu tư nhưng cũng là vì đã xác định sẽ sống ở đó ít nhất 50 năm…
“Như vậy thì tiền đổ ra ban đầu sẽ phải lớn. Tôi phải quyết định và đã quyết định chấp nhận đầu tư lớn ngày từ đầu”, ông Bổng nhớ lại.
“Chúng tôi đã đúng!”, ông Bổng khẳng định ngay khi được hỏi về kết quả. Cách “đầu tư cho nhà thì phải chắc, phải kỹ” của ông đã giúp Công ty không bị khó vào thời điểm giá cả đầu vào tăng đột biến. Tư duy này lại phù hợp với quan điểm kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư đến tư Nhật Bản, vốn cũng kỹ tính, cẩn thận và lấy chữ tín làm đầu.
Có thể nói, từ khi giai đoạn 1 của Khu công nghiệp Lương Sơn, với 71 ha trong tổng số 230 ha, được hoàn tất phần xây dựng hạ tầng, từ một tỉnh miền núi Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, Hòa Bình bắt đầu được nhắc tới trong danh sách các điểm được quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Trong các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư nước ngoài, tần suất có mặt của Khu công nghiệp Lương Sơn khá dày đặc.
Hai năm qua, số nhà đầu tư nước ngoài đặt địa điểm sản xuất tại đây tăng đột biến với 9 dự án đầu tư được cấp phép. Và mặc dù tình hình khó khăn, giá thuê đất ở đây vẫn giữ ổn định khoảng 700.000 USD/ha, mức rất cao so với khoảng 170.000 USD/ha cách đây ba, bốn năm. Tuy nhiên, mức giá này chỉ bằng khoảng 1/2 so với giá thuê đất trong các Khu công nghiệp tại Hà Nội…
“Đó là lợi thế của chúng tôi. Khu công nghiệp Lương Sơn cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 36 km, nằm ngay cửa ngõ Hoà Bình – Hà Nội, tận dụng được hạ tầng giao thông hiện đại ở khu vực phía Tây Hà Nội đang được hoàn thiện. Khi bước chân vào lĩnh vực này, tôi cũng kỳ vọng vào sự dịch chuyển của các doanh nghiệp ra khỏi các đô thị lớn, đúng như xu thế đã từng diễn ra với các đô thị của các nước trong khu vực vài năm trước”, ông Bổng kể lại lịch sử của dự án đầu tư mang tính đột phá và là một bước ngoặt quan trọng khiến ông trở thành “người Hoà Bình”.
Chịu làm mới
Nói ông là một người cấp tiến cũng đúng, là người chịu làm mới có lẽ cũng không quá. Nhưng điều cảm nhận rõ nhất khi làm việc với ông, đó là chịu nghe. Ở vị trí thủ lĩnh như ông, không nhiều người dẹp bỏ được cái tôi quyền lực để làm điều này.
Nói vậy cũng bởi có dịp làm việc với cấp dưới của ông. Đa phần họ là những người trẻ, năng động, được đào tạo bài bản. Quan trọng hơn, họ được trao quyền, được khuyến khích có ý kiến phản biện.
“Tôi nghe để tôi tự học, tự rèn luyện nhưng cũng là cách để nhìn nhận đội ngũ nhân sự của mình, để chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm kinh doanh”, ông nói và cho rằng, đây chính là cách tạo nên sức mạnh tốt nhất trong doanh nghiệp.
Vào lúc này, ông Bổng đang có niềm đam mê mới. Đó là kế hoạch phát triển du lịch Hoà Bình. Cứ có dịp, ông lại chia sẻ về “người con gái đẹp ngủ say đang cần nụ hôn của chàng hoàng tử đánh thức” để tìm kiếm những người cùng yêu văn hoá Mường, say mê với phong cảnh hữu tình hiếm có của vùng miền núi Tây Bắc…
Nhiều người đặt vấn đề, có phải ông đang chuyển hướng trong kinh doanh, khi lại bước chân vào một lĩnh vực mới. Nhưng những người biết ông thì hiểu, đây là sự trở về niềm đam mê sẵn có, chỉ có điều đẳng cấp và kỳ vọng cao hơn.
Nói về công việc kinh doanh khách sạn trước đây, ông bộc bạch: “Lúc đó, kinh doanh nhỏ thôi, nhưng cũng là một đam mê. Tôi còn nhớ, năm 1995, khi lần đầu tiên có dịp ở trong một khách sạn 5 sao, tôi đã ao ước mình sẽ có một khách sạn như vậy, có thể làm chủ được những dịch vụ đẳng cấp như vậy. Khi đó, mơ vậy nhưng không dám nghĩ sẽ thực hiện được”.
Mọi việc đang xoay chuyển theo hướng tích cực. Trong các dự án bất động sản của An Thịnh tại Hoà Bình, ngoài Khu công nghiệp Lương Sơn Hòa Bình, dự án Khu đô thị Cảng Chân Dê và dự án Khách sạn 5 sao An Thịnh Hoà Bình là những điểm nhấn quan trọng để ông thực hiện ước mơ xưa. Đặc biệt, dự án khách sạn, theo ông Bổng, được thực hiện bởi “không thể cưỡng lại vẻ hấp dẫn của Hoà Bình”.
Có lẽ vì vậy, dấu ấn mà ông Bổng đang muốn bắt đầu để khởi động cho hướng kinh doanh mới được cân nhắc rất kỹ, từ vị trí địa điểm, ý tưởng thiết kế, lựa chọn nhà thầu tư vấn… Nhắc lại chuyện ông hủy bỏ toàn bộ ý tưởng của một nhà thầu tư vấn để làm lại từ đầu mấy năm trước, ông chỉ cười và nói: “Vị trí của khách sạn rất đẹp, nằm trong quần thể nghỉ dưỡng của Khu du lịch Quốc gia bên dòng sông Đà, hướng ra đập Thủy điện Hòa Bình, liền kề với trung tâm Phật giáo của tỉnh Hòa Bình có không gian tâm linh thanh tịnh. Không thể dễ tính với một công trình ở vị trí này, ở đẳng cấp này”.
Công trình có tổng mức đầu tư 15 triệu USD đã được khởi công với bản thiết kế của nhà thầu Line (Hàn Quốc). Các kế hoạch kết nối hệ thống dịch vụ du lịch cao cấp cũng đã được hoạch định để triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
Không muốn nói nhiều vì dự án đang trong giai đoạn tiến hành, ông Bổng chỉ chia sẻ rằng, Hoà Bình “của ông” sẽ thực sự là điểm đến du lịch thú vị của vùng Tây Bắc, ông sẽ mời gọi bạn bè, nhà đầu tư, du khách đến vùng đất mà ông khó lý giải tại sao lại gắn bó với ông đến vậy…
“Tôi sẽ làm thật, có sản phẩm du lịch thật tốt để mọi người tin rằng, vùng đất Hoà Bình thực sự tiềm năng. Và những tiềm năng đó chắc chắn sẽ biến thành những giá trị thật đối với những người biết tận dụng cơ hội và sẵn sàng đầu tư bài bản, bền vững”.
Vĩ thanh
Có cảm giác, thời gian không đủ dành cho ông. Lịch chen lịch. Lo ngại đặt câu hỏi rằng, với tuổi của ông, liệu như thế có là quá tải. Ông hóm hỉnh: “Tôi tìm thấy được niềm vui và sự hứng khởi trong chính công việc. Rỗi việc hoặc không có việc gì làm là tôi ốm mất”.
Trước thềm Lễ vinh danh doanh nhân tiêu biểu năm 2013 mà ông là một trong 100 doanh nhân được bình chọn để trao Cúp Thánh Gióng, ông Bổng tâm sự, chặng đường kinh doanh với nhiều bước chuyển đã cho ông một bài học. Đó là “vừa mắt ta, ra mắt người”. Gặt hái một vài thương vụ thì dễ, nhưng thành công đường dài mới là điều phải tính. Trong môi trường kinh doanh đang được hoàn thiện, đang có những thay đổi về cơ chế, chính sách, không dễ tính đường dài, nhưng mấu chốt vẫn phải là quan điểm kinh doanh phát triển bền vững.
Trao đổi với doanh nhân tiêu biểu Vũ Duy Bổng: Ông lại lấn sân sang ngành du lịch vào thời điểm này vì...? Dư địa trong kinh doanh bất động sản đang giảm đi. Một phần do cơ chế chính sách, một phần do thị trường bão hòa. Là người kinh doanh, chúng tôi hiểu thời điểm mà cơ hội đã tới hạn và cần đặt ra cho mình những yêu cầu mới. Với lĩnh vực du lịch, chúng tôi đang có lợi thế, có hiểu biết nhất định và cơ hội đang rộng mở. Trong lúc khó khăn, tận dụng cơ hội không dễ, thưa ông? Chúng tôi ý thức được điều đấy. Nhưng vấn đề là chúng ta biết tận dụng cơ hội dù chỉ là rất nhỏ. Tôi quan niệm, trong giai đoạn khó khăn, một cơ hội dù là rất nhỏ nhưng biết tận dụng triệt để thì có giá trị rất lớn. Và đặc biệt phải quyết đoán, đưa ra quyết định đúng thời điểm để tạo thời cơ. Thế mạnh của tôi là quyết đoán. Liệu điều đó có đủ để thành công? Trước khi bắt đầu bất cứ công việc gì, tôi phải trả lời hai câu hỏi chính: tiềm lực của mình là gì và mình có được đội ngũ nhân sự có chuyên môn sâu hay không? Trên cơ sở đó, tôi đưa ra những quyết định quan trọng nhất:, dứt khoát và đúng thời cơ. |
Theo Báo Đầu Tư