Các dược sĩ tại các nhà thuốc góp phần quan trọng vào việc tư vấn, thúc đẩy ý thức dùng thuốc nội để tiết kiệm chi phí.
CôngThương - Là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc phân phối thuốc, Bà đánh giá thế nào về việc giá thuốc tăng cao trong thời gian gần đây?
Khi thị trường bị biến động về giá cả thì việc tăng giá thuốc bán ra là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc tây được người bán đẩy lên từ 50-70%, thậm chí là 100% như hiện nay thì hực sự trở thành gánh nặng cho người bệnh, nhất là những người nghèo.
Thuốc là loại hàng hóa đặc thù nên mỗi khi tăng giá người bệnh lại thêm gánh nặng. Theo bà có cách nào để những người nghèo tiết kiệm được chi phí thuốc men khi bị bệnh?
Người tiêu dùng vẫn có thể tiết kiệm tiền thông qua việc sử dụng thuốc nội thay vì phải mua thuốc ngoại nhập với giá cao. Tại sao lại không sử dụng thuốc nội trong khi chất lượng của sản phẩm thuốc nội và thuốc ngoại cùng chủng loại đều đạt chất lượng như nhau. Tất cả nguyên liệu để sản xuất thuốc nội hiện nay hầu hết đều được nhập từ nước ngoài, do đó so về chất lượng thì có thể ngang bằng, không thua kém thuốc ngoại mà giá cả thuốc nội thấp hơn rất nhiều.
Bà Lê Thị Mỹ Châu |
Chênh lệch giá giữa thuốc nội và thuốc ngoại như thế nào thưa bà?
Chỉ riêng đối với những loại thuốc không kê toa thông dụng thì giá thuốc ngoại đã gấp 3- 4 lần thuốc nội. Đơn cử, cũng một viên Amloefti (5mg, thuốc hạ huyết áp) của Công ty CP dược phẩm 3-2 là 540 đồng thì sản phẩm cùng loại của Pháp có giá 8.300 đồng/viên. Các loại thuốc kháng sinh như Cexime (100 mg) của Công ty CP hóa dược phẩm Mekophar (Việt Nam) là 3.000 đồng/viên thì của Korea United Pharm (Hàn Quốc) đến 11.800 đồng/viên; Zinmax (500 mg) của Công ty CP xuất nhập khẩu y tế Domesco (TP.HCM) giá 11.000 đồng/viên thì thuốc tương đương Zinnat của Anh có giá 24.500 đồng/viên.
Nhưng người dân vẫn còn hoài nghi về chất lượng của thuốc nội?
Do việc truyền thông, quảng bá thuốc Việt chưa mạnh bằng thuốc ngoại nên sự hiểu biết và niềm tin của người tiêu dùng, nhất là sự thiếu tin tưởng của các bác sĩ trong khi khám và kê toa thuốc cho bệnh nhân, chính điều này ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ của mọi người. Thực tế cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng của thuốc nội và đương nhiên giá thuốc cũng thấp hơn thuốc ngoại rất nhiều.
Theo bà, làm thế nào để thay đổi quan niệm chuộng thuốc ngoại trong số đông người tiêu dùng hiện nay?
Theo tôi, ngoài vai trò tư vấn và kê thuốc của các bác sĩ, chính các nhà thuốc cũng góp phần quan trọng giúp thúc đẩy ý thức sử dụng thuốc nội thay cho tâm lý chuộng thuốc ngoại ở một số người. Sự tư vấn của các dược sĩ tại các nhà thuốc cũng giúp người dân tin tưởng hơn vào chất lượng của các loại thuốc nội hiện nay mà giá cả thì rẻ hơn rất nhiều so với thuốc ngoại.
Nằm trong chương trình bình ổn giá, nhà thuốc Mỹ Châu có những cam kết như thế nào trong việc hỗ trợ giá cho người tiêu dùng?
Chúng tôi điều chỉnh tăng từ 5 đến 20% đối với tất cả các loại thuốc. Đây là sự gia tăng bắt buộc và thấp nhất mà chúng tôi có thể trợ giá cho người tiêu dùng. Chúng tôi đang bán thuốc lẻ theo giá sỉ hiện nay. Lợi nhuận thu được từ việc bán thuốc dựa trên số lượng nhiều, các hợp đồng phân phối thuốc mà chúng tôi đã ký kết có thể đảm bảo mức giá cố định trong thời gian dài.
Xin cảm ơn bà!