Chatbot tăng cường sức khỏe tinh thần cho giới trẻ tại trường học
Tiến sĩ Christine Grove từ Khoa Giáo dục của Đại học Monash đã phát triển một chatbot được gọi là ‘Ash’, nhằm đối phó với tình trạng ngày càng có nhiều người trẻ đang phải vật lộn để đối phó với căng thẳng ở trường, cảm giác trầm cảm và lo âu, cũng như thiếu sự trợ giúp đầy đủ cho các vấn đề của họ. Các chủ đề được chatbot đề cập bao gồm cả khía cạnh tích cực và tiêu cực của cuộc sống, bao gồm trường học, gia đình, bạn bè hoặc các mối quan hệ, tương lai, tôn giáo, sách, trò chơi, nghệ thuật, thể dục thể thao và âm nhạc.
Đại học Monash, Australia đã phát triển một chatbot được gọi là ‘Ash’ |
“Chatbot được tạo ra để cung cấp thông tin dựa trên các thu thập thực tiễn, cải thiện chất lượng cuộc sống, cung cấp kiến thức về sức khỏe tinh thần và các chiến lược đối phó tương ứng để giúp đỡ học sinh trong những thời điểm cần thiết và cho sự phát triển của các em” - tiến sĩ Christine Grove cho biết.
Theo tiến sĩ Christine Grove: Có rất nhiều người trẻ phải trải qua những thử thách về sức khỏe tinh thần nói riêng và sức khỏe nói chung. Một số yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần các em bao gồm việc vật lộn để đối phó với căng thẳng ở trường, cảm giác trầm cảm và lo lắng, và việc thiếu sự trợ giúp đúng đắn cho thanh thiếu niên.
‘Ash’ là một robot trực tuyến có thể pha trò, tám chuyện về một ngày của bạn hoặc đưa ra những đề xuất bất cứ khi nào bạn cần hỗ trợ. Nếu một học sinh đang có một ngày tồi tệ ở trường hoặc không chắc chắn về cách đối phó với việc học, với bạn bè, ‘Ash’ sẽ cung cấp cho họ những gợi ý hoặc chiến lược hữu ích. Nó cũng có thể kết nối học sinh với một giáo viên hỗ trợ hoặc chuyên gia nếu họ cần thêm sự giúp đỡ.
Gần một phần tư số người trong độ tuổi 15-19 có các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh tâm lý. Nghiên cứu cho thấy con số này thậm chí còn đang tăng lên do dịch Covid-19. Những người trẻ gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần có thể rời bỏ trường học hoặc cộng đồng do nghỉ học kéo dài, xa cách xã hội hoặc gặp bất lợi về tài chính.
“Khả năng đối phó tích cực và khả năng phục hồi nhanh sẽ hỗ trợ phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề, cũng như xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt, tất cả đều nâng cao khả năng của một cá nhân để sống và đóng góp một cách có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày” - tiến sĩ Grove nói, đồng thời cho rằng, cần có sự hỗ trợ trực tuyến nhanh chóng, liên tục, tương tác thường xuyên để đáp ứng và phù hợp với nhu cầu cụ thể của thanh niên.
Chatbot là một ứng dụng công nghệ kỹ thuật số được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, mô phỏng cuộc trò chuyện với người thật. Mặc dù “Ash” cung cấp một nguồn tài nguyên quan trọng cho sinh viên để cải thiện tình trạng sức khỏe tâm thần của họ, tiến sĩ Grove cho hay, chatbot được thiết kế để sử dụng tốt nhất với sự hợp tác của các nhà tâm lý học và bác sĩ được đào tạo tại các trường học và trong cộng đồng.
Việc thanh thiếu niên tham gia thường xuyên vào thế giới ảo và thời gian chờ dài để được hỗ trợ an sinh tại trường học cho thấy cơ hội để cung cấp một cầu nối có khả năng kết nối sinh viên với các nhân viên trường học. “Công nghệ này đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong cộng đồng của chúng tôi để bảo vệ và phát triển sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên, đặc biệt là khi thế giới phục hồi sau đại dịch Covid-19 khắc nghiệt” - tiến sĩ Grove chia sẻ.