Ảnh minh họa: Internet
CôngThương - Ông Anoop Singh, Giám đốc bộ phận châu Á- Thái Bình Dương của IMF nhận xét, nhờ xuất khẩu khởi sắc và nhu cầu nội địa mạnh mẽ, kinh tế châu Á sẽ đạt tốc độ tăng trưởng gần 7% trong cả hai năm 2011 và 2012. Theo đó, tăng trưởng của châu Á sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi đà tăng trưởng GDP mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ,hai nước dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế.Trong hai năm tới, Trung Quốc, hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 9,5%, trong khi Ấn Độ là khoảng 8%. Sau thiên tai, nền kinh tế Nhật Bản được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng từ 1,4-1,6% trong năm nay và có thể tăng 2,1% trong năm tiếp theo.
Tuy nhiên, thể chế tài chính đa phương toàn cầu này cũng cảnh báo sự nổi lên của các "túi nhiệt quá nóng" trên khắp châu Á, giữa lúc lạm phát giá tiêu dùng đã tăng vọt lên 4,5% trong tháng 2/2011.
Một vài nền kinh tế, trong đó có Hàn Quốc, Indonesia và Ấn Độ, đã siết chặt chính sách tiền tệ nhằm chặn lại nguồn vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ chảy vào các nước này từ những nhà đầu tư đang mong muốn tìm được các nguồn lợi nhuận lớn hơn khi đầu tư vào đây hơn là vào các nền kinh tế uể oải ở phương Tây. Như vậy, các nguồn vốn sẽ vẫn tiếp tục đổ vào châu Á trong các năm 2011 và 2012 do triển vọng tăng trưởng trong khu vực vẫn mạnh và bởi thế, đây vẫn là "mối quan ngại lớn của các nhà hoạch định chính sách". Tuy nhiên, IMF thì cho rằng, các nguồn vốn trên "nhìn chung đã chậm lại" kể từ tháng 10/2010 và hiện đang ở dưới các mức đỉnh trước đây, chẳng hạn như trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Tuy nhiên, tình hình lạm phát trong khu vực đang có những dấu hiệu tăng nóng, với giá cả lương thực, thực phẩm và năng lượng tăng cao. Lạm phát tại Trung Quốc sẽ leo lên mức đỉnh trong ngắn hạn trước khi rơi xuống mức 4-4,5% vào cuối năm nay, nhờ mục tiêu kiềm chế lạm phát của Bắc Kinh.
Vào đầu tháng 4 vừa qua, Trung Quốc cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 3 đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái- tỷ lệ lạm phát năm cao nhất kể từ tháng 7/2008, còn tỷ lệ lạm phát trong quý I/2001 là 5%. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của toàn khu vực có thể leo lên mức đỉnh trong năm 2011, sau đó sẽ giảm xuống vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Bên cạnh đó, lãi suất thấp ở nhiều nền kinh tế châu Á cũng đang góp phần làm gia tăng lạm phát trong khu vực.
Theo đó, lạm phát ở châu Á sẽ tiếp tục tăng trong năm nay trước khi hạ nhiệt ở mức vừa phải trong năm 2012, khi các ngân hàng trung ương trong khu vực tiếp tục các bước đi nhằm thắt chặt các điều kiện kinh tế vĩ mô.
Đầu tuần trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo rằng, giá lương thực leo thang đe dọa đẩy thêm hàng triệu người châu Á vào cảnh nghèo đói và làm giảm 1,5 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của khu vực.
IMF cho rằng, bất ổn chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi cũng có thể tạo ra rủi ro bằng cách đẩy giá dầu thô lên cao nữa, điều này sẽ ảnh hưởng bất lợi đối với những nền kinh tế phụ thuộc vào các nguồn dầu mỏ nhập khẩu như Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong bối cảnh này, IMF kêu gọi các nền kinh tế châu Á siết chặt các chính sách kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, các nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ lạm phát cao cần thắt chặt chính sách tiền tệ và thực hiện các biện pháp vĩ mô thận trọng, bao gồm củng cố tài chính và định tỷ giá hối đoái linh hoạt để tránh các tác động tiêu cực đến "sức khỏe" của nền kinh tế.
Thách thức chủ yếu đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Á là đảm bảo mô hình tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao quát hơn. Trong khi sự mất cân bằng của nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa được cải thiện, các nền kinh tế mới nổi châu Á cần tiếp tục thúc đẩy tăng nhu cầu trong nước, thu hẹp bất bình đẳng thông qua mở rộng các thị trường lao động và bảo vệ xã hội. Ngân hàng Phát triển châu Á cũng khẳng định, kiểm soát lạm phát phải là "ưu tiên hàng đầu" ở các nước châu Á.