Châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng mờ nhạt
- Đó là nhận định của Ủy ban Kinh tế- xã hội khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP) trong Báo cáo điều tra tình hình kinh tế- xã hội khu vực châu Á- Thái Bình Dương năm 2013: Các chính sách kinh tế vĩ mô hướng tới tương lai vì sự phát triển bền vững và hòa đồng.
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Giám đốc điều hành của ESCAP, nhận định: “Điều đáng mừng là châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu thay đổi tư duy và tự đổi mới”. |
Báo cáo ước tính kể từ khi bắt đầu diễn ra cuộc khủng hoảng toàn cầu, tình trạng bất ổn về chính sách kinh tế ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và Hoa Kỳ đã làm cho GDP của khu vực này bị giảm sút 3%, thiệt hại 870 tỷ đô la về giá trị sản lượng.
Dự đoán, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở Thái Bình Dương sẽ chậm lại trong năm 2013 do sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng xuất phát từ ngành năng lượng ở Papua New Guinea, nền kinh tế lớn nhất Thái Bình Dương.
“Nếu xu thế kinh tế vẫn tiếp diễn như hiện nay thì hiện tượng tốc độ tăng trưởng giảm mạnh so với những năm gần đây có thể trở thành chuyện thường tình ở nhiều nền kinh tế trong khu vực” và điều này có thể gây thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 1,3 nghìn tỷ đô la vào cuối năm 2017, báo cáo cảnh báo.
Song, báo cáo cũng kỳ vọng vào sự cải thiện về nhu cầu của thế giới xuất phát từ kết quả tăng trưởng liên tục của Hoa Kỳ và sự khởi sắc ở mức độ hạn chế của các nền kinh tế lớn mới nổi có thể sẽ góp phần nâng tốc độ tăng trưởng của các nước đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ 5,6% năm ngoái lên 6,0% trong năm 2013.
Trung Quốc ước tính sẽ nâng tốc độ tăng trưởng ở mức độ vừa phải từ 7,8% trong năm 2012 lên 8%, trong khi Ấn Độ theo dự báo sẽ phần nào khôi phục lại tốc độ tăng trưởng từ mức thấp là 5% năm ngoái lên 6,4% trong năm 2013.
Các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu là chính ở Đông Á, Đông Bắc Á và Đông Nam Á dự kiến sẽ hưởng lợi từ “tình hình thương mại toàn cầu đã được cải thiện, mặc dù chưa sôi động”.
Lần đầu tiên, báo cáo đưa ra kết quả tính toán về yêu cầu đầu tư công cộng cho một gói chính sách bảo trợ xã hội và phát triển bền vững, bao gồm chương trình bảo đảm việc làm, chương trình trợ cấp xã hội đại trà, trợ cấp người khuyết tật, tăng mức chi cho y tế công cộng, nhập học đại trà và tiếp cận đại trà với các nguồn năng lượng hiện đại hiệu suất cao.
Với mức đầu tư dự tính từ 5% đến 8% GDP theo điều tra ở nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương, gói chính sách nêu trên có thể triển khai ở hầu hết các nước hoàn toàn bằng nguồn tài chính của mỗi nước. Hơn nữa, những khoản đầu tư này hoàn toàn không dẫn đến nguy cơ gây bất ổn về kinh tế vĩ mô.
Trong số các biện pháp hỗ trợ phát triển hòa đồng, Báo cáo phân tích sự cần thiết phải áp dụng chính sách lương tối thiểu, và chính sách này cũng có lợi cho cả giới chủ và nền kinh tế nói chung.
Thái Lan và Trung Quốc đã đi mở đường trong việc đưa ra các các biện pháp hỗ trợ phát triển hòa đồng. Theo ước tính của báo cáo, việc tăng mức lương tối thiều vừa qua ở Thái Lan có thể góp phần nâng tốc độ tăng trưởng việc làm thêm 0,6% và tăng trưởng GDP thực thêm 0,7% vào năm 2015.
Hải Vân