Chiến lược phòng, chống dịch mới “hỗ trợ” tinh thần khởi nghiệp
Tín hiệu tích cực từ bức tranh doanh nghiệp
Việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch từ “zero Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được Việt Nam triển khai thực hiện từ sau Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành vào ngày 11/10/2021, thì ngay trong tháng 10, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã có sự thay đổi đáng kể.
Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 là 8.233 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 108.569 tỷ đồng. So với tháng 8 và 9/2021, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 tăng lần lượt là 42,9% và 111,2%; số vốn đăng ký mới là 59,8% và 73,9%.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với rất nhiều khó khăn |
Đặc biệt, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10/2021 tiệm cận với con số 8.740 doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng 7/2021 - là thời điểm trước khi Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng.
Bước sang tháng 11/2021, tinh thần khởi nghiệp tiếp tục được “hỗ trợ” bởi chiến lược phòng, chống dịch với 11.902 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, có số vốn đăng ký đạt 149.861 tỷ đồng, tăng 44,6% về số doanh nghiệp và 38% về vốn so với thời điểm tháng 10/2021.
"Điều đó cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất, kinh doanh sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP" - Báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 11 và 11 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Đặc biệt hơn, nếu so sánh với tháng 8 và tháng 9/2021, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 tăng lần lượt là 106,6% và 205,3%; số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 cũng được ghi nhận tăng lần lượt 120,5% và 140% so với tháng 8 và tháng 9/2021. Tháng 11 cũng là tháng có số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường cao nhất kể từ tháng 4/2021, khi làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam.
Ngoài hiệu ứng tích cực từ chiến lược phòng, chống dịch mới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngày 12/11/2021, Quốc hội thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó xác định, mục tiêu tổng quát là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp. Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn… cũng tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp yên tâm hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.
Theo đó, bên cạnh doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay lại hoạt động trong tháng 11 cũng được ghi nhận có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, trong tháng 11 có 4.958 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng lần lượt 28,3%; 49,5% và 15,2% so với các tháng 8, 9, 10/2021. Đặc biệt, có 36/63 địa phương có số lượng doanh nghiệp tái gia nhập thị trường tăng so với tháng 10/2021, trong đó có một số địa phương có sự phục hồi ấn tượng về số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong tháng 11 là: TP. Hồ Chí Minh với 1.557 doanh nghiệp, tăng 34,6% so với tháng trước và tăng 77,1% so với tháng 9/2021; Bình Dương với 154 doanh nghiệp, tăng 49,5% so với tháng trước và tăng 75% so với tháng 9/2021; Hải Phòng có 137 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong tháng 11, tăng 14,2% so với tháng trước và tăng 37% so với tháng 9/2021.
Vẫn cần chính sách hỗ trợ cụ thể
Mặc dù đã xuất hiện những tín hiệu khởi sắc trong bức tranh doanh nghiệp tháng 11/2021, tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa phương, số ca nhiễm mới đang tăng trở lại trong thời gian gần đây và chưa biết đến khi nào mới kết thúc. Tình hình doanh nghiệp trong nước vẫn đang đối mặt với vô cùng khó khăn. Trong khi đó, các gói hỗ trợ tài khóa cho doanh nghiệp, người dân được Chính phủ thực hiện thời gian qua còn khá “rụt rè” và đạt tỷ lệ thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nên chưa kích thích được doanh nghiệp sôi động trở lại.
Báo cáo về tình hình doanh nghiệp tháng 11 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cũng cho thấy, trong tháng 11, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục, giải thể là 39.469 doanh nghiệp, vẫn tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các ngành có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ôtô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo…
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Cường – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - cho rằng: Cần triển khai những biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, việc này cần làm càng nhanh càng tốt, bởi dư địa thời gian của Việt Nam không còn nhiều. Nhất là khi, khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) từng cho thấy, gần 90% doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 và 1,9 triệu lao động bị tác động thiếu việc làm, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, thì cả doanh nghiệp và người lao động sẽ không thể tiếp tục chờ đợi.
Tuy vậy, để hỗ trợ hiệu quả, đúng đối tượng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thay vì cào bằng, Chính phủ đưa ra chính sách sàng lọc đối tượng doanh nghiệp để hỗ trợ cho phù hợp. Vì trên thực tế có những doanh nghiệp, dù có nhận được sự hỗ trợ thì cũng chỉ kéo dài thời gian tồn tại chứ không thể hoạt động trở lại.
Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay lại hoạt động trong tháng 10 và tháng 11 đã có tín hiệu tích cực, tuy nhiên, tính chung 11 tháng đầu năm, cả nước vẫn có 14.864 doanh nghiệp giải thể, chấm dứt tồn tại. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, có thời gian hoạt động từ 0-5 năm. |