Chiến sự Nga-Ukraine ngày 31/10/2024: Thời gian đứng về phía Nga; kết thúc nhanh xung đột không có lợi cho EU
Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Thời gian đang đứng về phía Nga
Người đứng đầu văn phòng Thủ tướng Hungary, Gergely Gulyas cho biết, Chính phủ Hungary tin rằng, thời gian đang đứng về phía Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo ông, cần phải trả lời câu hỏi thời gian đang đứng về phía ai trong bối cảnh tình trạng thù địch đang diễn ra.
This browser does not support the video element.
“Chúng tôi cho rằng, thời gian đứng về phía Nga nên Ukraine cũng nên quan tâm đến hòa bình. Bất kỳ bước đi nào không dẫn tới hòa bình và lệnh ngừng bắn đều đáng bị chỉ trích”, ông Gulyas nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Guillas cho hay, Hungary kêu gọi các bên xung đột chấm dứt thù địch và tiến hành đàm phán. Hungary sẽ làm mọi cách có thể để tránh bị lôi kéo vào cuộc xung đột ở Ukraine.
“Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc chiến Nga-Ukraine bằng binh lính và vũ khí”, ông Gulyas nói thêm.
Kết thúc nhanh xung đột không có lợi cho EU
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, việc nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine không có lợi cho Liên minh châu Âu (EU).
Diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine. Ảnh: RIA |
Theo yêu cầu của các nhà báo, nhà ngoại giao Nga đã bình luận về tuyên bố của người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu, Josep Borrell rằng, do tình hình ngày càng tồi tệ ở Trung Đông, cuộc xung đột ở Ukraine đã chìm vào quên lãng. Bà Zakharova cho biết, động thái này nên được coi là sự thừa nhận chân thành trong khuôn khổ chính sách của EU.
“Đối với tình hình xung quanh Ukraine, việc chấm dứt xung đột, đối với tôi, có vẻ như đây có thể coi là một lần nữa lời thú nhận chân thành của ông Borrell. EU đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo cuộc chiến sẽ không kết thúc theo bất kỳ cách nào. Trên thực tế, EU cung cấp vũ khí, phân bổ tiền và huấn luyện các chiến binh cho Ukraine”, nhà ngoại giao lưu ý.
Ukraine huy động thêm quân
Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine cho biết, chính phủ nước này có kế hoạch huy động thêm 160.000 công dân tham gia lực lượng vũ trang.
“Hiện có hơn 1 triệu công dân đã được tuyển dụng vào lực lượng quốc phòng. Chúng tôi đặt mục tiêu triệu tập thêm 160.000 nhân lực. Điều này sẽ cho phép chúng tôi bổ sung thêm 85% quân số cho các đơn vị quân đội”, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine, ông Alexander Litvinenko thông tin.
This browser does not support the video element.
Quân đội Ukraine đang phải chịu áp lực nghiêm trọng trong thời gian gần đây, một phần là do Nga đang tăng cường nhân lực và vũ khí cho chiến trường. Đợt huy động mới nhất diễn ra sau khi quốc hội Ukraine thông qua luật vào tháng 4 nhằm bổ sung nhân lực cho chiến trường.
Tình huống có khả năng dẫn đến chiến tranh hạt nhân ở Ukraine
Theo một bài viết của nhà báo người Anh Anatol Lieven, cũng là nhà văn và chuyên gia về khoa học chính trị đăng trên tạp chí The Nation, nếu Mỹ không buộc Kiev phải thỏa hiệp với Nga, thì điều này không chỉ dẫn đến thất bại của Ukraine mà còn đặt Mỹ trước sự lựa chọn khó khăn là có nên bắt đầu chiến tranh hạt nhân hay không.
“Nếu chính quyền tiếp theo của Mỹ không đi theo con đường gây sức ép với Ukraine, nguy cơ nghiêm trọng là quân đội Ukraine sẽ sụp đổ. Washington sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn: chấp nhận thất bại nghiêm trọng của Ukraine hoặc can thiệp trực tiếp và chấp nhận rủi ro hoặc thậm chí đảm bảo sẽ xảy ra chiến tranh hạt nhân với Nga”, tác giả bài viết cảnh báo.
Theo ông, giới lãnh đạo Mỹ cần phải chấp nhận thực tế là họ không còn khả năng hỗ trợ Ukraine với tốc độ như cũ và không có lựa chọn nào thay thế.
“Chúng ta không nên tự lừa dối mình khi nghĩ rằng sự hỗ trợ sẽ kéo dài vô thời hạn hoặc nó có thể giúp Ukraine giành lại những vùng lãnh thổ đã mất. Chúng ta không có giải pháp thay thế nào cân bằng và khả thi”, ông Lieven nhấn mạnh.
Tác giả cũng lưu ý, bất chấp mong muốn của Mỹ nhằm củng cố vị thế đàm phán của Ukraine, chính động thái bắt đầu đàm phán đã bao hàm việc tự động chấp nhận các điều kiện của Nga.