Chính phủ yêu cầu hoàn thành các mục tiêu ở mức cao nhất
Tin hoạt động 04/09/2020 19:00
Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng dương 2-3%
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước, trong tháng 8 vừa qua chúng ta đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với diễn biến mới của dịch COVID-19 rất thành công.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Đến nay, các ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát, các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm đã được xác định, khoanh vùng và cách ly phù hợp. Kết quả tích cực này đã góp phần quan trọng để chúng ta giữ ổn định tình hình, tiếp tục tập trung nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”; tạo cơ sở cho sự phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021.
Trong bối cảnh, trên thế giới, nhiều quốc gia tiếp tục tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp; sẽ rơi vào suy thoái trầm trọng nếu không sớm đẩy lùi dịch COVID-19, một số ý kiến dự báo về khả năng "suy thoái kép" của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng dương trong khu vực và toàn cầu. Sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của COVID-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh. Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% trong năm 2020.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tinh thần phấn đấu quyết liệt cho các mục tiêu của năm 2020 |
Chúng ta chỉ còn 4 tháng là kết thúc năm 2020. Tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản được khống chế trong nước; nhưng khối lượng công việc vẫn còn lớn; khả năng hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội là rất khó khăn. Do đó, Chính phủ yêu cầu cần tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực nhằm hoàn thành các mục tiêu ở mức cao nhất; trong đó tiếp tục có biện pháp kích thích, thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ.
“Trong giai đoạn này, Thủ tướng chỉ đạo chú trọng củng cố trạng thái bình thường mới, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế; coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế xã hội”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư điện mặt trời
Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đã nêu lên nhiều câu hỏi được dư luận quan tâm liên quan đến các vấn đề kinh tế xã hội. Liên quan đến câu hỏi về việc nhiều nhà đầu tư đã đã đầu tư hàng trăm tỷ vào dự án điện mặt trời áp mái nhưng dự án hoàn thành thì không được ký hợp đồng mua bán điện với bên điện lực mà nguyên nhân được nêu là chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, điện mặt trời (ĐMT) là một nguồn điện năng lượng tái tạo. Việt Nam chúng ta là nước nhiệt đới nằm gần xích đạo nên có tiềm năng ĐMT khá cao. Và hiện nay ở Việt Nam chúng ta nói nhiều đến ĐMT là nói nhiều đến điện lắp trên mặt đất, nhưng ngoài ra còn có ĐMT nổi và ĐMT đặt trên mái nhà.
Gần đây ĐMT lắp trên mái nhà rất được các nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp, thậm chí là nhiều người dân, rất quan tâm. Nếu có điều kiện, họ có thể lắp đặt với một kinh phí không phải quá lớn nhưng có thể mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư.
Hiện nay cũng có một điều thuận lợi cho việc phát triển ĐMT, đó là việc phát triển điện mái nhà không tác động nhiều đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Như chúng ta đã biết sử dụng đất thì phải có ý kiến quy hoạch nhưng có những công trình chúng ta có thể tận dụng để lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà. Đây là một điều hết sức thuận lợi và chúng ta khuyến khích.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm rõ nhiều nội dung báo chí quan tâm |
Chính vì vậy trong thời gian vừa qua, ĐMT phát triển tương đối nhanh. Tính đến thời điểm tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy ĐMT vận hành với tổng công suất 5.053 MW và hiện nay có 11 nhà máy điện gió hoạt động với tổng công suất là 429 MW và 325 MW điện sinh khối. Và như vậy, tổng công suất điện gió của chúng ta đã lên đến 5.482 MW, chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn điện của hệ thống.
“Đây là điều đáng mừng nếu chúng ta phát triển đúng hướng khi chúng ta không phát triển thêm được nữa về nhiệt điện mà đi vào điện mặt trời”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Vừa qua, cũng có việc là mặc dù ĐMT mái nhà có nhiều ưu điểm, nhưng có sự hiểu và diễn đạt chưa đúng ở nhiều địa phương, thậm chí là các doanh nghiệp, liên quan đến Quyết định 13/2020/QĐ-TTg cũng như Thông tư 18/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương. Quyết định 13 cũng như Thông tư 18 này đưa ra rất nhiều khuyến khích, ưu đãi đối với ĐMT như là ĐMT mái nhà.
Vì vậy Bộ Công Thương cũng đã dự thảo công văn và xin ý kiến của UBND các tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các nhà đầu tư và kể cả một số phương tiện thông tin đại chúng để Bộ tổng hợp các nội dung liên quan đến kiến nghị này mà còn có cách hiểu khác nhau, cho dù theo quan điểm của Bộ Công Thương, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 18 của Bộ Công Thương đã tương đối rõ.
“Và nếu chúng ta thực hiện theo đúng nội dung của quy định tại hai văn bản này thì đã tương đối phù hợp và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương hiện nay vẫn đang tổng hợp thêm và chắc chắn trong thời gian rất ngắn tới đây sẽ có hướng dẫn cụ thể thêm đến từng UBND các tỉnh, thành phố và các nhà đầu tư để giúp cho việc đầu tư ĐMTthể hiện là một định hướng rất đúng đắn của Đảng, Chính phủ và cũng bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư.
Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về thoái vốn và cổ phần hóa
Bộ Công Thương luôn quan tâm thực hiện các chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về thoái vốn cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước trong thẩm quyền của mình.Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã khẳng định như vậy khi trả lời câu hỏi về tiến độ thoái vốn bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) của một số doanh nghiệp trong đó có có SABECO, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Về SABECO đã có một lần bán vốn Nhà nước tương đương với 53,59% số vốn Nhà nước, số tiền thu được khoảng hơn 110 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD. Đây là thương vụ được đánh giá là thành công, vì nếu thoái trong bối cảnh hiện nay thì giá trị thu được sẽ khiêm tốn, nếu không nói là thiệt.
Hiện tại SABECO Nhà nước còn 36% vốn. Ngày 26/8/2020, Bộ Công Thương đã bàn giao số vốn còn lại 36% này cho SCIC, tương đương 2.308 tỷ đồng để SCIC tiếp nhận làm chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này, tiếp tục thực hiện thoái vốn.
“Quan điểm là khẩn trương thực hiện việc thoái vốn, nhưng việc này cần tính toán thời điểm nào lợi ích cao nhất chứ không phải thoái càng nhanh càng tốt”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Về VEAM, có đặc thù ngoài lĩnh vực kinh doanh chính trong lĩnh vực cơ khí, ô tô, nhưng thu nhập chính đến từ các liên doanh mà VEAM đang thực hiện với các hãng lớn như Honda, Toyota, Ford. Số vốn điều lệ tham gia 3 liên doanh của VEAM chỉ chiếm 7% nhưng mang lại trên 90% tổng lợi nhuận của VEAM.
Do đó, nếu thoái vốn không cẩn thận, Nhà nước sẽ bị thiệt hại, vì mỗi năm riêng phần chia liên doanh đã mang lại lợi nhuận tới hơn 7 nghìn tỷ đồng. Nếu bán vốn ở thời điểm này chỉ thu được khoảng 30 nghìn tỷ đồng (tương đương với khoảng 5 năm lợi nhuận).
Vì vậy, Bộ Công Thương dù trước đó đã có quyết định thoái vốn, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước mắt chưa thoái vốn tại doanh nghiệp này. Lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý và yêu cầu, khi thoái vốn sau này cũng cần trình phương án cụ thể, khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý mới thoái vốn.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương khẳng định quan tâm việc thoái vốn nhưng phải thoái vốn bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước.