Chính sách phát triển công nghiệp ô tô hướng tới sự ổn định, phù hợp thực tế
Tin hoạt động 18/04/2017 17:22
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh ô tô đều chung mục đích là phát triển thị trường và ngành công nghiệp ô tô. Thời gian qua, Bộ Công Thương và các đơn vị chức năng đã có những buổi tọa đàm về vấn đề này. Tổ công tác liên Bộ, ngành đã có những đoàn làm việc tới các DN sản xuất lắp ráp ô tô để lắng nghe ý kiến nhằm đưa ra những chính sách sát với tình hình thực tế.
Báo cáo về hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Ford Việt Nam - cho biết, Ford đã có mặt tại Việt Nam từ 1995, tổng vốn đầu tư đến nay đạt 120 triệu USD. Lượng tiêu thụ của Ford Việt Nam hiện đứng thứ 3 trên thị trường, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 20% còn nếu tính nội địa hóa chung trong khu vực thì là 50%. Công ty đóng góp 20%/ năm cho ngân sách tỉnh Hải Dương, tạo việc làm cho 700 lao động. Tăng trưởng của Ford Việt Nam từ 40-70%/ năm trong vài năm lại đây. Hiện doanh nghiệp có 4 sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam và 2 sản phẩm nhập khẩu.
Ông Mark Kaufman chia sẻ, Tập đoàn Ford đang nghiên cứu kế hoạch có thể phát triển sản xuất để xuất khẩu trong khu vực. Muốn tiếp tục duy trì sản xuất, cần có những chính sách vĩ mô phù hợp nhằm hỗ trợ sản xuất. Hai vấn đề đặt ra hiện nay là chi phí sản xuất trong nước đang cao hơn trong khu vực và về thuế nhập khẩu linh kiện vẫn còn cao. "Mong Bộ Công Thương có chính sách cụ thể hơn cho ngành công nghiệp ô tô, có thể trong từng giai đoạn, để trước mắt vượt qua khó khăn rồi đến thời kỳ tăng trưởng ổn định" - ông Mark Kaufman đề xuất.
Ghi nhận ý kiến của ông Mak Kaufman, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng: Quan điểm của Bộ Công Thương qua các buổi tọa đàm về chính sách công nghiệp ô tô đều nhất quán, Thứ nhất, chắc chắn từ 1/1/2018, khi thuế nhập khẩu trong khu vực bằng 0, thị trường sẽ có những cạnh tranh khó khăn khi xe nhập khẩu về nhưng Bộ Công Thương sẽ giữ ổn định thị trường, đảm bảo cạnh tranh cho DN sản xuất. Thứ hai, tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh cho những sản phẩm sản xuất lắp ráp tại Việt Nam. Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, cả DN trong nước và DN FDI. Bộ Công Thương sẽ có những chính sách và đề xuất phù hợp với thực tế để hỗ trợ sản xuất. "Liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, nếu chúng ta có thị trường lớn thì sẽ thu hút được nhà cung cấp" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của DN sản xuất lắp ráp ô tô có nhiều vấn đề, đơn cử như chính sách thuế, các thủ tục hành chính, hải quan, nâng cao năng suất lao động..., nhưng đều phải tính đến để tăng trưởng sản xuất và cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tất nhiên, các chính sách phải có tính ổn định để đảm bảo DN yên tâm sản xuất.