Chợ Đồng Xuân được xem là đầu mối tập kết các loại hàng hóa trên địa bàn Hà Nội |
Ngăn chặn hàng lậu vào chợ
Ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội) cho biết, tháng 1 là thời điểm giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi, lượng hàng hóa lưu thông mạnh, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân như: lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, quần áo, giầy dép, đồ dùng gia đình… Do đó, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao trong dịp Tết, không ít thương nhân đã tiêu thụ hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hoàn Kiếm là địa bàn có hoạt động thương mại sôi động, trong đó chợ Đồng Xuân là đầu mối bán buôn, bán lẻ của Hà Nội cũng như các tỉnh. Bởi vậy, lực lượng quản lý thị trường đặc biệt quan tâm đến đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc, tại các điểm tập kết ở khu vực chợ Đồng Xuân và các tuyến phố xung quanh chợ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Buồm... Kiên quyết, xử lý nghiêm các vụ vận chuyển, kinh doanh hàng lậu tại các điểm tập kết hàng hóa này.
Báo cáo nhanh trong tháng 1/2015, Đội quản lý thị trường số 2 đã phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm, kiểm tra 88 vụ, trong đó có 82 vụ có dấu hiệu vi phạm bao gồm 25 vụ kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, 6 vụ kinh doanh hàng hóa vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, 18 vụ vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, 22 vụ kinh doanh hàng hóa vi phạm sở hữu công nghiệp… Tổng trị giá hàng hóa tịch thu, hàng hóa buộc tiêu hủy trên 1,5 tỷ đồng. “Trước kia, các đối tượng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại thường để hàng hóa tập trung một ô tô nhưng đến giờ khó khăn nhất là họ xé lẻ hàng, gửi gắm vào các xe khác chủng loại mặt hàng, ví dụ như những xe có trọng tải lớn, chở đồ có đầy đủ giấy tờ nên rất khó phát hiện. Do đó, lực lượng chức năng phải căng mình nắm chắc địa bàn, đối tượng mới có thể hoàn thành nhiệm vụ, không để hàng hóa không rõ nguồn gốc, mất an toàn tràn vào chợ Đồng Xuân và các khu vực xung quanh, sau đó lan ra các tỉnh khác”, ông Chiến nhấn mạnh.
Đẩy mạnh cam kết không kinh doanh hàng lậu
Từ nhiều năm nay, chợ Đồng Xuân là địa chỉ kinh doanh sầm uất, tấp nập nhất Thủ đô, với khoảng 2.300 tiểu thương kinh doanh cố định tại chợ và mỗi ngày trung bình có khoảng 15-20 tấn hàng hóa được luân chuyển. Các mặt hàng kinh doanh tại đây rất đa dạng, từ các loại bánh kẹo, nông sản khô đến các loại vải vóc, quần áo thời trang, đồ lưu niệm, đồ gia dụng, đồ điện tử...
Để kiểm soát chặt hàng hóa tại chợ Đồng Xuân, ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết: Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý chợ, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công ty thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người kinh doanh chấp hành pháp luật trong kinh doanh, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đặc biệt, kể từ tháng 7/2014, Đội Quản lý thị trường số 2 và Ban Quản lý Chợ Đồng Xuân đã triển khai ký kết với các hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân bản cam kết kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng; không buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, bản cam kết cũng yêu cầu các hộ kinh doanh tại chợ phải thực hiện nghiêm việc niêm yết giá bán và bán hàng theo giá niêm yết... giúp cho người tiêu dùng dễ nhận biết. Từ khi thực hiện cam kết, các hộ kinh doanh đã nâng cao ý thức hơn về việc buôn bán hàng hóa có chất lượng.
Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Chiến khẳng định: Tổ chức ký cam kết để các hộ kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động buôn bán là một phương thức tuyên truyền, vận động sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra xem người kinh doanh có chấp hành đúng cam kết hay không. Trường hợp phát hiện vi phạm, sẽ có các biện pháp xử lý đúng pháp luật.