Vi phạm gia tăng trên nhiều "mặt trận"
Sáng 16/12/2022, Toạ đàm “Cao điểm chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng” đã được Vuasanca tổ chức. Tại đây, quan điểm: Không có “vùng cấm” trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đã được các diễn giả tiếp tục khẳng định, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để có thể ngăn chặn tốt hơn nữa thực trạng này trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn- Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, có thể thấy sau khi Chính phủ chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trở lại bình thường nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trên các tuyến biên giới, vùng biển, hàng không và địa bàn nội địa, với phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn.
Các mặt hàng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chủ yếu là hàng tiêu dùng, thiết yếu như xăng dầu, khoáng sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gỗ và sản phẩm từ gỗ, vật tư nông nghiệp, sản phẩm và nguyên liệu sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế, sản phẩm và nguyên liệu may mặc, sắt, thép, vật liệu xây dựng, cơ khí, điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại di động, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ, rượu, bia, sữa, đường cát, thuốc lá, bánh kẹo và các mặt hàng cấm như ma túy, vũ khí, pháo nổ, vật liệu nổ, động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hoạt động gian lận về thuế, vi phạm về giá, lợi dụng môi trường thương mại điện tử để kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... tuy không phức tạp nhưng diễn ra trên hầu hết các địa bàn, nhất là ở khu vực đô thị, các địa bàn trọng điểm các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.
Đơn cử, tại 13 tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, thời gian qua đã ghi nhận 15.631 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021. Các lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 11.478 vụ, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, lậu là 3.551 vụ; gian lận thương mại, gian lận thuế 9.154 vụ; hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ 267 vụ. Các địa phương đã khởi tố 2.764 vụ án hình sự, tăng 450% so với cùng kỳ năm 2021, với 3.268 đối tượng, tăng 780% so với cùng kỳ năm 2021; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 429,3 tỷ đồng, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Với những phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường, tập trung vào một số hành vi như: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước; lợi dụng các loại hình tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…
Nêu thực trạng, ông Trần Hữu Linh- Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu năm 2022, Bộ Công Thương và các bộ ngành đã dự báo sức mua sẽ tăng cao do trước đó người tiêu dùng đã hình thành thói quen mua hàng trên không gian mạng trong thời điểm dịch Covid -19 diễn ra. Kéo theo đó, đúng như dự báo hàng lậu, hàng giả, sản xuất kinh doanh hàng hoá nội địa sẽ tăng hơn so với các năm trước đây. Cụ thể, trong thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra ở nhiều địa phương nhận thấy rằng, vấn nạn hảng giả, gian lận thương mại xuất hiện ở nhiều nơi, ở nhiều địa phương lớn, cả địa bàn hẻo lánh.
Bên cạnh đó, năm 2022, tình trạng hàng lậu vận chuyển qua đường mòn, lối mở hầu như không có. Tuy nhiên, hàng lậu, hàng giả lại chuyển hướng đi theo các cửa khẩu tại miền Trung, Tây Nam Bộ, thậm chí hàng giả còn vận chuyển ra phía Bắc.
Qua công tác kiểm tra tại một số địa phương như: Tuyên Quang, Bình Dương, Thanh Hoá…vẫn tiếp tục phát triển, quy mô có tổ chức hơn, việc đưa hàng lậu vào nội địa với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.
Cách đây 3 tuần, lực lượng chức năng đã bắt giữ số lượng lớn dầu gội đầu, kem dưỡng da giả nhãn hiệu nước ngoài. Qua đấu tranh phát một lượng lớn hàng giả, hàng nhái sản xuất trong nước nhưng lại vận chuyển quay trở lại biên giới để nhập vào Việt Nam.
Nêu thực trạng, ông Vũ Như Hà- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03)- Bộ Công an thông tin, qua công tác đấu tranh, phối hợp với các lực lượng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho thấy không chỉ công an mà tất cả các lực lượng đã quyết liệt tấn công, truy quét từ đó đã giải quyết được nhiều vụ việc tại địa bàn nóng như An Giang, Long An, Quảng Ninh.
Đáng chú ý, trong năm 2022, lực lượng công an đã bắt giữ 3670 vụ buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái, trong , trong đó đã khởi tố 1250, tạo sức răn đe phòng ngừa đối với các loại hình tội phạm. Đặc biệt, thời gian qua, các loại hình tội phạm đã dùng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, phức tạp, có sự cấu kết với tội phạm hình sự như lừa đảo, rửa tiền, vận chuyển mua bán ngoại tệ…đòi hỏi lực lượng phải phối hợp nhiều hơn nữa.
Tập trung giải pháp đấu tranh trước, trong và sau Tết Nguyên đán
Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Minh Tuấn cho hay, thời gian tới cần tập trung xây dựng, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh; xác định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát địa bàn, lĩnh vực.
Trên cơ sở đó triển xây dựng, triển khai các phương án tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển đường hàng không các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa; kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán qua mạng... kịp thời phát hiện các hành vi lợi dụng để kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ..., tập trung vào hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa có thuế suất cao, hàng cấm, hàng giả, hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như pháo nổ, thuốc lá, xăng dầu, khoáng sản, kim khí quý, ngoại tệ, hàng điện tử, điện thoại, thời trang cao cấp, thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, gia súc, gia cầm…;
Thành lập các đoàn công tác liên ngành triển khai nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các lực lượng đơn vị, địa phương tổ chức đấu tranh hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.
Về phía Văn phòng Thường trực sẽ thực hiện các đoàn làm việc tại các Bộ, ngành, địa phương đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm này. Văn phòng Thường trực là đầu mối tiếp nhận thông tin, điều phối các lực lượng để tạo sự gắn kết trong việc thực hiện các nhiệm vụ được xác định tại Kế hoạch; kịp thời tham mưu, đề xuất lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, xử lý những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, thực hiện.
Liên quan đến thương mại điện tử, hiện thương mại điện tử là xu thế phát triển tất yếu trong hoạt động kinh doanh thương mại, vấn đề của chúng ta là tìm cách hạn chế tối đa mặt tiêu cực, hạn chế được tội phạm. Các loại hình tội phạm không chỉ là buôn bán hàng giả, mà còn có những tội phạm như trốn thuế, lừa đảo vì vậy, chúng tôi cho rằng cần phải có sự phối kiểm soát chặt chẽ hàng hoá từ khâu sản xuấ, trung gian rồi đến người tiêu dùng.
“Đối với loại hình này, do đặc thù có nhiều đối tác tham gia, các cơ quan phải hoàn thiện thể chế, chính sách, xác định rõ chủ thể của các đơn vị tham gia từ nhà mạng, nhà sản xuất, trách nhiệm của người tiêu dùng. Thời gian tới, các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Thuế, Hải quan, các hiệp hội ngành hàng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa, là vấn đề rất bức thiết đặt ra trong thời gian tới”- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu nhấn mạnh.
Thực hiện chỉ đạo, C03 đã ban hành kế hoạch triển khai tới 63 tỉnh thành đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trong giai đoạn cao điểm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế chính sách, bịt chặt lỗ hổng trong quy định để các đối tượng tội phạm không thể lợi dụng.
Đồng thời, chủ động phát động, chủ trì triển khai nhiều hoạt động, chuyên án để triệt phá các đường dây buôn lậu trên các tuyến, tập trung vào địa bàn trọng điểm, sản phẩm trọng điểm.
Khẳng định nhiệm vụ của lực lượng C03, ông Vũ Như Hà cho hay: Cục cũng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng công tác tuần tra, kiểm soát; đồng thời, tập trung trọng tâm vào các loại mặt hàng trọng điểm là hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện…; loại hình xuất nhập khẩu trọng điểm như gia công, sản xuất xuất khẩu, đầu tư miễn thuế, vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh và hàng hóa gửi kho ngoại quan… tại các cửa khẩu, các tuyến trọng điểm nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi buôn lậu. “Mặt khác, Cục sẽ đẩy nhanh công tác điều tra, nhất là vụ buôn lậu vàng, đô la, sớm đưa ra xét xử để có tính răn đe, nâng cao nhận thức trong toàn thể xã hội đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái”- ông Vũ Như Hà nhấn mạnh.
Về phía Tổng cục Quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh chia sẻ, Tổng cục đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó, yêu cầu cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm, từ đó xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường trong đợt cao điểm; tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025.