Chống hàng giả, hàng nhái: Trách nhiệm không của riêng ai
Diễn biến phức tạp
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), năm 2021 tình hình buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cả nước không có chiều hướng giảm, nhất là các loại hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Cụ thể như: Găng tay y tế, khẩu trang và các loại thuốc, vật tư y tế dùng để phòng, chống Covid-19; hàng thời trang giả các nhãn hiệu nổi tiếng; hàng bách hóa, điện, điện tử đồ gia dụng, máy móc, thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Tăng cường đấu tranh với hàng giả, hàng nhái |
Địa bàn trọng điểm là các tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội và Hải Phòng, các khu vực thuộc Hà Tĩnh (Cửa khẩu Cầu Treo), Quảng Trị (Cửa khẩu Lao Bảo) và Đà Nẵng, các tỉnh thuộc tuyến biên giới Tây Nam, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, do dịch bệnh, người tiêu dùng thay đổi xu hướng mua sắm theo hướng tăng cường mua sắm qua nền tảng thương mại điện tử (TMĐT). Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, doanh thu từ TMĐT Việt Nam sẽ ước đạt gần 9 tỷ USD vào năm 2025.
Các đối tượng làm giả, làm nhái đã lợi dụng kênh này với nhiều chiêu thức lừa gạt ngày càng tinh vi, làm mất niềm tin của người tiêu dùng và gây khó khăn cho công tác phát hiện và xử lý hàng giả, hàng nhái trên các kênh TMĐT. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tình hình buôn bán hàng giả trong hoạt động TMĐT xu hướng tăng mạnh có nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
Phần lớn sản phẩm bị làm giả, làm nhái đều tập trung vào các thương hiệu nổi tiếng, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, thuộc mọi lĩnh vực gồm thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, dược phẩm, thiết bị y tế, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, thiết bị điện tử… Tùy vào loại sản phẩm bị làm giả mà mức độ gây thiệt hại sẽ khác nhau, trong đó, nghiêm trọng hơn cả là gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người, thậm chí dẫn đến tử vong.
Về phía doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - cho biết, các doanh nghiệp rất bức xúc về vấn đề hàng giả buôn bán trên mạng, kể cả các sàn TMĐT uy tín lẫn các điểm bán của cá nhân trên Facebook, Zalo. Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái kéo dài sẽ “giết chết” các doanh nghiệp chân chính và cả nền sản xuất trong nước trong bối cảnh hàng hóa đang phải chật vật cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Chưa kể, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái là lựa chọn các cửa hàng chính hãng hoặc đại lý phân phối chính thức của hãng. Khi mua hàng chính hãng, người dùng không chỉ yên tâm về chất lượng sản phẩm mà còn được hưởng chính sách bảo hành cùng nhiều quyền lợi ưu đãi từ nhà sản xuất.
Khách tham quan sự kiện trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức |
Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử phạt các đơn vị vi phạm trong vấn đề hàng nhái, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt, tập trung hỗ trợ người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.
Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường đã ra mắt Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả; ra mắt 2 tài khoản mang tên “Thật - giả Review” và “Quản lý thị trường news” trên nền tảng Tiktok. Song song với kênh Tiktok, trên nền tảng Youtube và Fanpage, “Tạp chí Quản lý thị trường” sẽ cập nhật toàn bộ hoạt động kiểm tra, kiểm soát, các vụ vi phạm mà lực lượng quản lý thị trường trên cả nước xử lý nhằm lan tỏa thông tin đến người tiêu dùng nhanh chóng, hiệu quả.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước ma trận hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, ngoài những nỗ lực của lực lượng chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động chống hàng giả. Người tiêu dùng tự giác hơn trong việc nâng cao nhận thức, chủ động tìm hiểu thông tin hàng hóa qua nhiều kênh.
Các chuyên gia cho biết, với công nghệ và trình độ khoa học tiên tiến như hiện nay, nhiều loại hàng giả, hàng nhái được sản xuất giống như hàng thật khiến người tiêu dùng khó nhận biết. Do đó, để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngoài tăng cường xử lý vi phạm, người tiêu dùng không nên mua các mặt hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc, mua hàng ở những địa chỉ buôn bán rõ ràng. Đồng thời, có cam kết trách nhiệm và hợp tác với cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời khi bị xâm phạm quyền lợi.
Đại diện Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra các trang mạng, các sàn thương mại điện tử, qua đó vừa xử phạt, vừa truyền thông; còn người tiêu dùng đặc biệt chú ý tới yếu tố pháp lý khi mua sắm hàng hóa.
Để hoạt động này mang lại hiệu quả, ngày 25/9/2021, Bộ Công Thương đã xây dựng, tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động TMĐT. Bên cạnh nhiều quy định mới về quản lý hoạt động TMĐT nói chung, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua TMĐT. Với văn bản này, hoạt động mua bán hàng hóa qua sàn TMĐT được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều kết quả hơn trong thời gian tới.