Thủ đoạn tinh vi
Công tác chống hàng lậu, hàng giả trên môi trường TMĐT trong năm 2020 là vấn đề nóng nhất nhưng cũng khó khăn nhất của lực lượng quản lý thị trường (QLTT). Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) - cho biết, một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng TMĐT, tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: Lập nhiều tài khoản facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn livestream (phát trực tiếp), mỗi ngày có thể chốt hàng trăm đơn hàng.
Vụ triệt phá tổng kho buôn lậu hơn 10.000 m2 với trên 150.000 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Lào Cai vào tháng 7/2020 là ví dụ điển hình. Hay mới đây, ngày 22/2, Công an TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã phát hiện cơ sở chứa hàng chục nghìn sản phẩm quần áo, giày dép, đồng hồ... không hóa đơn, chứng từ và bán hàng qua hình thức livestream trên mạng xã hội,trị giá hàng tỷ đồng.
Trước Tết Nguyên đán 2021, lực lượng QLTT các địa phương cũng thu giữ hàng nghìn sản phẩm nhập lậu được rao bán trên mạng xã hội facebook. Đơn cử như QLTT Quảng Nam tạm giữ hàng trăm sản phẩm nhập lậu được kinh doanh trên facebook “vapehoian”; QLTT Hải Dương thu giữ trên 1.800 sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng kinh doanh qua mạng xã hội. Tại Hà Nội, lực lượng QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng đã liên tục kiểm tra, xử lý hàng loạt “tổng kho” bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn |
Chủ động ngăn chặn
Mặc dù tích cực triệt phá nhiều vụ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội, nhưng theo ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, khó khăn lớn nhất khi phát hiện và xử lý các vụ việc trên môi trường TMĐT là phải có sự việc rõ ràng, phải có người mua và có món hàng cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều là ảo, không có địa điểm kinh doanh, khiến lực lượng QLTT không kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (đối với hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ, nên công tác phát hiện và xử lý càng khó khăn.
Thêm vào đó, việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn do việc kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” không đơn giản. “Có trường hợp lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện website ghi đúng địa chỉ, đúng mặt hàng kinh doanh nhưng chủ cơ sở không thừa nhận website đó do mình thiết lập, quản lý. Hoặc khi kiểm tra, chủ cơ sở cho dừng, đóng, khóa... website ngay tại thời điểm kiểm tra, gây khó khăn khi chứng minh vi phạm” - ông Chu Xuân Kiên chia sẻ thêm.
Nắm bắt tình hình này, ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục QLTT đã thành lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách riêng chống gian lận trên môi trường internet. Tuy nhiên, để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý triệt để tình trạng này. Năm 2021, Tổng cục QLTT sẽ xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, xem xét, xử lý chuyển giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng tiến hành tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm, có dấu hiệu tội phạm, có tính chất, quy mô, số lượng lớn, mang tính đường dây, ổ nhóm, tái phạm nhiều lần.
Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ; triển khai sát hạch, kiểm tra thường xuyên trình độ kiểm soát viên để nâng cao hiệu quả QLTT trên không gian mạng. |