Gỗ lậu cất giấu dưới ghe chở lúa bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương phát hiện.
Từ nguỵ trang kiểu… buôn lậu
Trên tuyến biên giới Tây Nam, mặt hàng thuốc lá lậu vẫn chưa bao giờ giảm do nhu cầu tiêu thụ quá cao, các đối tượng buôn lậu dễ kiếm lời. Nếu như phần lớn các cửu vạn dùng xe gắn máy tốc độ cao để đưa thuốc lá lậu qua biên thì một số đối tượng khác buôn lậu bằng… xe tải với các kiểu nguỵ trang ít ai ngờ tới.
Một xe tải chở thuỷ sản đông lạnh với nước chảy ròng ròng, bốc hơi lạnh nghi ngút ít ai nghĩ bên dưới là những thùng thuốc lá lậu được cất giấu tinh vi. Vậy mà bằng con mắt nghiệp vụ tinh nhạy, các cán bộ Đội Kiểm soát Hải quan – Cục Hải quan Đồng Tháp đã phát hiện tại vựa cá gần cầu Sở Thượng, xe tải biển số 67L-9501 đang chuyển cá ướp lạnh lên xe nghi chở hàng lậu, nên phối hợp kiểm tra xe. Sau khi tiến hành các thủ tục theo quy định, lực lượng phối hợp đã kiểm tra và phát hiện nhiều bao PP chứa thuốc lá ngoại được các đối tượng đã nguỵ trang bên trên là các thùng chứa cá ướp đá. Số thuốc lá ngoại nói trên có số lượng trên 10.000 gói.
Còn tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên - Cục Hải quan An Giang cũng đã “cất mẻ lưới” với tang vật là 26.500 gói thuốc lá ngoại nhập lậu được vận chuyển bằng xe tải. Trong vụ này, chiếc xe tải chở thuốc lá lậu được nguỵ trang là xe chở dây thuốc cá- một loại dây leo có nhiều tại khu vực các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nếu nhìn thoáng qua, đây cũng chỉ là một xe chở hàng hoá bình thường như bao xe tải khác nhưng sau những bó dây thuốc lá là một lượng lớn thuốc lá lậu.
Đó là trên đường bộ, còn ở đường thuỷ- loại hình giao thông đặc trưng của miền sông nước thì các đối tượng vận chuyển hàng lậu cũng nguỵ trang không kém tinh vi. Các đối tượng dò đường, canh đường thì ngụy trang như dân giăng câu, chài lưới còn các đối tượng vận chuyển hàng lậu nguỵ trang như dân đi thu mua nông sản, lúa gạo. Đây là hình thức vận chuyển, mua bán phổ biến tại miền Tây nên nếu không có nghiệp vụ sẽ rất khó phát hiện. Các ghe vận chuyển hàng lậu cũng thường chọn các mặt hàng có giá trị, nhất là gỗ có thể chất dưới khoang, bên trên là lúa hoặc nông sản khác để qua mặt lực lượng chức năng. Hai vụ vận chuyển gỗ lậu trên sông Tiền do hai đơn vị hải quan đóng hai bên bờ sông Tiền là Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương- Cục Hải quan An Giang và Chi cục Hải quan cửa khẩu Thường Phước-Cục Hải quan Đồng Tháp phát hiện gần đây cũng đều chở bằng ghe và nguỵ trang bằng lúa.
Qua công tác giám sát tại cửa khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương đã phát hiện một ghe chở lúa qua sông Tiền, có tải trọng khoảng 100 tấn đang vận chuyển lúa nhưng qua nhìn mớn nước, hành vi của các đối tượng và các thông tin khác, Chi cục đã tiến hành bốc dỡ số lúa đang vận chuyển để kiểm tra và phát hiện phương tiện này vận chuyển lậu 45,05 mét khối gỗ xẻ các loại như căm xe, gõ mật, sao nhóm I, II; các loại mặt bàn gỗ, đôn gỗ... trị giá trên 1,3 tỷ đồng. Cũng qua các biện pháp nghiệp vụ, Chi cục Hải quan cửa khẩu Thường Phước bắt giữ trên 1,7 tấn gỗ trắc, được cất giấu dưới phương tiện thuỷ, che giấu phía trên là những bao lúa.
Đến đối phó khi bị bắt giữ hàng lậu
Nếu nguỵ trang, dùng các phương thức cất giấu tinh vi mà vẫn không qua mặt được lực lượng Hải quan và các lực lượng chức năng, hàng hoá vẫn bị bắt giữ thì các đối tượng chuyển sang đối phó. Nhẹ nhàng nhưng tinh vi là việc đối phó bằng chứng từ, hoá đơn. Liều lĩnh hơn là họ tấn công lực lượng chức năng khi bị bắt giữ hàng lậu.
Xe tải ngụy trang chở đầy thuốc lá lậu bị phát hiện. |
Nếu nói đối phó về hoá đơn, chứng từ thì việc đối phó này được họ chuẩn bị từ trước khi vận chuyển hàng lậu và các đối tượng buôn lậu đường Thái Lan thường xuyên sử dụng. Các phương tiện truyền thông cũng đã nói rất nhiều về vấn đề này nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết căn cơ. Một điều rất lạ là các đối tượng buôn lậu đường có được các bao bì của các nhà máy đường sản xuất trong nước (thời gian gần đây khan hiếm sau khi Tỷ đường bị bắt giam, khởi tố). Mặt khác, họ có được những bộ chứng từ mua bán đường đấu giá do lực lượng chức năng bắt giữ, tịch thu. Nhiều lần, các cơ quan chức năng kiến nghị các tỉnh quy định bán đường lậu tịch thu theo phương thức bán chỉ định để kiểm soát hoá đơn, chứng từ nhưng việc áp dụng này chưa được phổ biến. Các bộ hồ sơ bán hàng tịch thu vẫn còn là bảo bối của các đối tượng buôn lậu đường dành để đối phó các cơ quan chức năng.
Còn việc tấn công lực lượng chức năng thì nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các cửu vạn tấn công để chạy thoát thân, để tẩu tán hàng hoá và cả để “dằn mặt” lực lượng chống buôn lậu, kể cả lực lượng vũ trang là Bộ đội Biên phòng. Điển hình như vụ tổ công tác của Đồn Biên phòng Phước Chỉ đi mật phục ở cầu Giồng Găng phát hiện bắt giữ 3 xe mô tô chở 18 bao đựng thuốc lá. Thế nhưng, các đối tượng đã gọi khoảng 100 người là đồng bọn đến bao vây, kích động và xô xát với lực lượng Biên phòng để cướp lại 13 bao tải thuốc lá và 3 xe mô tô tang vật. Tại An Giang, sau sự kiện nóng đốt nhà để phi tang tang vật tại chợ cửa khẩu Tịnh Biên, cuối năm 2014, Công an tỉnh An Giang đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên bắt giữ 250 bao đường Thái Lan nghi nhập lậu cũng đã phải đụng độ với nhóm đông cửu vạn kích động, hăm doạ lực lượng. Rất may, bằng các biện pháp nghiệp vụ và có lực lượng hỗ trợ kịp thời nên sau khoảng 30 phút giằng co, các lực lượng đã thu giữ được tang vật.
Các đối tượng buôn lậu luôn nguỵ trang, đối phó tinh vi, xảo quyệt nên để việc chống buôn lậu đạt kết quả cao góp phần vào ổn định an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới đòi hỏi lực lượng chống buôn lậu phải có kinh nghiệm, có nguồn thông tin tin cậy và nhiều biện pháp nghiệp vụ.