Chủ động ngăn ngừa cháy nổ
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an, năm 2014, toàn quốc xảy ra 2.375 vụ cháy, làm 90 người chết, gây thiệt hại về tài sản ước tính trị giá lên tới 1.307,078 tỷ đồng. Trong đó, có 31 vụ cháy lớn, gây thiệt hại tài sản 907,801 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện (995 vụ, chiếm 49,1%), sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt (430 vụ, chiếm 21,2%), sự cố kỹ thuật (3,3%), vi phạm quy trình, quy định an toàn (3,9%)…
Điểm lại các vụ cháy nổ thường xảy ra nhiều ở các cụm công nghiệp làng nghề nhỏ, lẻ, hoặc các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể. Đáng chú ý là vụ cháy tại kho hàng Công ty CP len Hà Đông (Hà Nội) đã hủy hoại 3.000m2 nhà kho, gây thiệt hại tài sản trị giá 105,7 tỷ đồng. Hay vụ cháy xảy ra tại Công ty CP giấy Thành Đạt (Cụm công nghiệp Phòng Khê 2, Bắc Ninh) đã hủy hoại khoảng 5.000m2 nhà xưởng, thiệt hại tài sản ước tính 100 tỷ đồng. Vụ cháy xưởng gỗ của Công ty Việt Hà và kho của Công ty Nippon Express (Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội) đã hủy hoại 7.000m2 nhà kho, nhà xưởng, gây thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng…
Theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, các vụ cháy thường xảy ra ở hộ gia đình vừa là nhà ở vừa là nơi kinh doanh, buôn bán và các sở kinh doanh giải trí đông người, không được bố trí và trang bị đầy đủ dụng cụ. Các vụ cháy lớn chủ yếu xảy ra tại các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, Bình Dương, Hưng Yên, Đăk Lăk, Long An, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, TP.Hồ Chí Minh… Cháy lớn tập trung ở các cơ sở sản xuất - kinh doanh mặt hàng dễ cháy nổ, nhà xưởng chủ yếu làm bằng khung thép mái lợp tôn, trữ lượng hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất lớn. Nguyên nhân cháy là do các cơ sở sản xuất chưa quan tâm đúng mức công tác PCCC, tự ý thay đổi công năng sử dụng của công trình, khi xảy ra cháy không phát hiện và báo cháy kịp thời…
Từ thực tế đó, Đại tá Đoàn Hữu Thắng cho rằng, năm 2015, công tác PCCC cần tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường kiến thức về PCCC, giảm thiểu tối đa những hậu quả do các vụ cháy nổ gây ra. Để tăng cường thực hiện các quy định về PCCC tại các khu, cụm công nghiệp, theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng, ban quản lý các khu này cần nêu cao vai trò quản lý, giám sát thực hiện quy hoạch, đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về PCCC tại các công ty kinh doanh hạ tầng, DN; Sở Cảnh sát PCCC thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tại các DN, đơn vị, cơ sở đầu tư, sản xuất, kịp thời phát hiện những vi phạm, xử lý nghiêm minh theo pháp luật, thẩm quyền, kiến nghị xử lý với chế tài mạnh đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng; có chương trình, kế hoạch tập huấn kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm PCCC cho cán bộ, nhân viên, người lao động; định kỳ tổ chức diễn tập tình huống chữa cháy cho từng đơn vị, có sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trên địa bàn…
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp: Để hạn chế, phòng ngừa rủi ro thiệt hại do các vụ cháy nổ gây ra, ý thức của người sử dụng lao động, người lao động có ý nghĩa quyết định. Mỗi DN, người lao động cần chủ động tăng cường các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, DN và xã hội. |