Chủ động phương án phòng chống thiên tai
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng (thứ hai từ trái sang) kiểm tra an toàn hồ đập Thủy điện Lai Châu |
Thiệt hại lớn
Những năm gần đây, tình hình thiên tai tại các tỉnh miền núi phía Bắc ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và môi trường sinh thái. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT &TKCN các tỉnh phía Bắc, từ đầu năm đến nay, ở 4 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu xảy ra nhiều đợt thiên tai, mưa lũ kèm gió lốc, rét đậm, rét hại, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong 6 tháng đầu năm 2016 của Hòa Bình 23,7 tỷ đồng; Lai Châu trên 27,4 tỷ đồng. Thiệt hại nặng nề nhất phải kể đến tỉnh Điện Biên với 283 tỷ đồng, riêng Sơn La thiệt hại 286 tỷ đồng.
Ông Lò Minh Hùng - Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La - cho biết, địa phương quanh năm phải đối mặt với thiên tai. Cụ thể, năm 2015, cơn bão Kujira đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến Nhà máy Thủy điện Sơn La và công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Huội Quảng. Đặc biệt, lưới điện phân phối có 22 lộ đường dây, 16 nhánh rẽ, 917 trạm biến áp bị sự cố, gây mất điện trên 314.000 khách hàng thuộc 29 huyện, thị xã các tỉnh phía Bắc. Riêng chi phí khắc phục đã lên tới 149 tỷ đồng.
Không chỉ Sơn La gặp khó khăn về thiên tai, tỉnh Điện Biên cũng không nằm ngoài tình trạng trên. Ông Nguyễn Văn Định - Phó Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Điện Biên - thông tin: Tháng 8/2015, mưa lớn gây lũ quét xảy ra trên địa bàn huyện Tuần Giáo làm thiệt hại về tài sản hơn 100 tỷ đồng. Thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2015 chiếm khoảng 5,61% GRDP của toàn tỉnh. Đợt rét đậm, rét hại tháng 1/2016 đã gây thiệt hại về tài sản tới 158 tỷ đồng.
“Hiện nguồn lực thực hiện chiến lược và hoạt động PCTT ở các địa phương, các ngành chưa được đáp ứng thiết thực, chủ yếu là hoạt động khắc phục hậu quả sau thiên tai” - ông Định chia sẻ!
Sẵn sàng ứng phó
Nhằm xây dựng kế hoạch PCTT, hạn chế tối đa những rủi ro, tổn thất do thiên tai gây ra, ông Tô Xuân Bảo – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) - đề nghị, thời gian tới, các tỉnh cần chủ động trong việc ứng phó với diễn biến mưa bão, lũ lụt; rà soát lại quy hoạch, kế hoạch di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm xâm lấn công trình PCTT, hoàn chỉnh phương án xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống.
Cụ thể, đối với ngành Điện, ông Lê Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc - cho biết, địa bàn 27 tỉnh do tổng công ty quản lý luôn chủ động khắc phục sự cố do thiên tai gây ra, bổ sung thêm phương án huy động các đơn vị lân cận để cùng hỗ trợ đảm bảo cung cấp điện ổn định, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.
Còn ông Nguyễn Duy Nhượng - Giám đốc Sở Công Thương Sơn La - khẳng định: Năm 2016, tỉnh Sơn La đã có 30/30 nhà máy thủy điện hoàn thành phương án phòng chống bão lũ cho đập và phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du. Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Nguyễn Văn Tưởng - Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên - nhấn mạnh: Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 6 công trình thủy điện: Pa Khoang, Thác Trắng, Thác Bay, Nà Lơi, Nậm He, Nậm Mức. Các công trình này đã xây dựng, phê duyệt quy trình vận hành, đăng ký an toàn đập, xây dựng phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du đập. Qua kiểm tra thực hiện tốt cơ chế vận hành thủy điện an toàn, ổn định.
Về công tác dự trữ hàng hóa phục vụ PCTT&TKCN, theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ PCTT năm 2016; dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, vật tư đầy đủ, cung cấp kịp thời bảo đảm không để xảy ra khan hiếm hoặc tăng giá hàng hóa, kể cả những khu vực bị bão lũ chia cắt.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ PCTT&TKCN 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị các tỉnh cần chủ động hơn nữa trong ứng phó PCTT; tích cực thực hiện các nội dung của Luật PCTT và tiếp tục rà soát, xác định các khu vực dễ xảy ra thiên tai, sự cố; tăng cường công tác an toàn hồ đập thủy điện, lưới điện, bảo đảm cung cấp điện, khôi phục nhanh sự cố lưới điện sau thiên tai; rà soát, đánh giá mức độ an toàn của các bãi thải trong khai thác khoáng sản để có biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất và an toàn đối với khu dân cư lân cận...
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố kiểm tra, đôn đốc đơn vị thuộc ngành Công Thương trên địa bàn chủ động ứng phó thiên tai. Đối với kiến nghị của các tỉnh, đoàn công tác sẽ báo cáo với Chính phủ để kịp thời hỗ trợ cho địa phương. |