Nhiều giống lúa chống chịu BĐKH được nghiên cứu và trồng thử nghiệm |
Biến đổi khí hậu và những hệ lụy
Ông Lê Quang Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH thuộc Đại học Cần Thơ - cho biết: ĐBSCL là vùng đất có địa hình thấp, chủ yếu sản xuất nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 60% sản lượng thủy sản và 75% sản lượng trái cây cả nước. Tuy nhiên, BĐKH giờ đã tấn công, gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất các mặt hàng chủ lực này.
“Chỉ riêng đợt hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 đã có 10/13 tỉnh, thành phố ĐBSCL công bố tình trạng thiên tai. Đợt hạn, mặn này đã làm ít nhất 290.000 hộ dân trong vùng thiếu nước sinh hoạt; gây thiệt hại nghiêm trọng lên cây trồng, vật nuôi và nhiều hệ lụy về tài nguyên đất và nước; tổng thiệt hại trên 254.000 ha, với số tiền trên 15.000 tỷ đồng” - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Trung Hiếu cho biết.
Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (SEA) của Ủy hội sông Mê Kông cũng chỉ rõ: ĐBSCL phải đối mặt với xâm nhập mặn ảnh hưởng trực tiếp đến 14 triệu nông, ngư dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Theo SEA, trước đây, ĐBSCL có lượng phù sa 26 triệu tấn mỗi năm thì nay chỉ còn lại 7 triệu tấn, kèm theo đó là hiện tượng xói lở bờ sông. Những nguy cơ này khiến ĐBSCL thiệt hại lên đến 1 tỷ USD/năm và gây ra thảm họa về toàn vẹn đa dạng sinh thái. Tác động của BĐKH đến xã hội làm cho người nghèo, cận nghèo tăng và số người bỏ xứ đi nơi khác cũng ngày càng gia tăng. Người dân ly hương khỏi ĐBSCL khiến sản xuất nông nghiệp nhiều tháng không thu hoạch được.
Chủ động để thích ứng
Thủy sản với 70% sản lượng nuôi trồng tập trung ở ĐBSCL là một trong những ngành đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ BĐKH. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, trong năm 2016, mặt hàng tôm và cá tra đã chịu ảnh hưởng nặng nhất từ BĐKH, nhiều DN xuất khẩu thủy sản đã không thể hoàn thành kế hoạch năm bởi sự thiếu hụt sản lượng nguyên liệu cho sản xuất.
Năm 2017, ngoài sự hỗ trợ chung của Chính phủ, bộ, ngành, các DN thủy sản sẽ chủ động theo dõi thông tin diễn biến khí hậu để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, ký hợp đồng với đối tác; đồng thời có các biện pháp hỗ trợ vốn để sát cánh cùng người nông dân đối phó với BĐKH.
Là địa phương có lượng gạo xuất khẩu đứng đầu cả nước, ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó giám đốc Sở Công Thương Long An - chia sẻ, để giữ vững vị trí top đầu trong xuất khẩu gạo, năm 2017 ngành Công Thương Long An sẽ tập trung vào 3 giải pháp chính gồm: Đắp bờ bao chống xâm nhập mặn, triều cường; tận dụng các hồ chứa để dự trữ nước mưa nhằm sử dụng vào mùa khô; chuyển đổi cây trồng theo hướng sử dụng các loại cây vừa có khả năng chịu hạn, vừa có năng suất cao.
Thủy sản là một trong những ngành đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ BĐKH |
Liên quan đến vấn đề quy hoạch thủy lợi phục vụ cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đề xuất, trước mắt cần tập trung nghiên cứu vấn đề trữ lũ tại vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên cho việc sử dụng hợp lý nguồn nước. Chọn giải pháp là ngăn các cửa sông lớn bằng các cống Hàm Luông, Cổ Chiên và đồng thời bổ sung các cống trên sông lớn như: Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé… để kiểm soát nước mùa khô, kiểm soát xâm nhập mặn và ngăn triều cường, thích ứng với nước biển dâng.
Đối với việc chọn lọc và sản xuất giống thủy sản, cây trồng nước ngọt có khả năng chống chịu BĐKH, các nhà khoa học từ Viện Lúa ĐBSCL, trường Đại học Cần Thơ thời gian qua đã nghiên cứu và trồng thử nghiệm nhiều giống lúa chịu mặn để nông dân trồng. Đơn cử như với lúa hiện có giống lúa chịu mặn tốt ở mức 4 phần nghìn với tên gọi OM22 hiện đã được công nhận và đang trồng rộng rãi ở nhiều địa phương và 2 giống lúa là SH PT2 và SH PT3. Trong đó, giống lúa SH PT3 có thể chịu ngập liên tục 15 ngày ngập hoàn toàn dưới nước, khi nước rút đi lúa sẽ mọc lại. Đây được xem là bước khởi đầu giúp nông dân trồng lúa từng bước thích ứng với BĐKH.
Nhằm nâng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu cho ĐBSCL, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khởi động Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL. Dự án này do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, có tổng mức đầu tư hơn 384,9 triệu USD (tương đương hơn 8.577,3 tỷ đồng). Dự án được triển khai thực hiện giai đoạn 2016 - 2022 tại 9 tỉnh ĐBSCL, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. |