Thông tin trên được Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT (Mã CK: FPT) - Trương Gia Bình cho biết tại đại hội đồng cổ đông tổ chức hôm nay (3/4). "FPT phải tăng trưởng, tăng trưởng, tăng trưởng. Mục tiêu 2015 phải trở lại mức 2 chữ số", ông Bình nói.
Trả lời câu hỏi FPT sẽ tăng trưởng từ đâu, lãnh đạo tập đoàn cho hay sẽ đến từ sự phát triển của thị trường trong nước và thế giới. Trong nước, ông Bình cho biết FPT chào đón những hợp đồng triệu USD từ những đề án giao thông thông minh, bệnh viện điện tử, cơ sở dữ liệu dân cư, điện thông minh...
Còn về thị trường toàn cầu, ông Bình nhường lại diễn đàn cho hai thành viên Hội đồng quản trị người nước ngoài mới được bổ nhiệm, ông Tomokazu Hamaguchi (quốc tịch Nhật Bản) và ông E Dan Khoo (quốc tịch Malaysia).
Với kinh nghiệm 50 năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Hamaguchi cho rằng thị trường trong nước đã trở nên chật chội và các doanh nghiệp đều phải dịch chuyển ra thị trường nước ngoài. Tại giai đoạn này, mua bán sáp nhập (M&A) sẽ là cơ hội quan trọng để công ty mở rộng thị trường, nhưng lựa chọn đối tác để "kết hôn" lại là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng.
"NTT Data phải lựa chọn các công ty có năng lực về IT, ở trong top 500 Fortune, sau đó sẽ có những hợp đồng lớn hơn", vị này dẫn kinh nghiệm từ chính doanh nghiệp mình từng lãnh đạo ở Nhật Bản.
Trong khi đó, ông Dan E Khoo nhận định tổng dư lượng thị trường công nghệ thông tin vẫn còn rất lớn, việc FPT tiến ra toàn cầu là điều "đáng mừng", nhất là khi tập đoàn đang nắm các lĩnh vực tăng trưởng cao như viễn thông, dịch vụ.
Năm 2015, FPT đặt mục tiêu doanh thu 39.600 tỷ đồng, lợi nhuận 2.850 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 16% so với năm trước. Trong đó, khối viễn thông mục tiêu đóng góp lợi nhuận lớn nhất với 1.005 tỷ đồng, tăng 7%, tiếp đến là khối công nghệ với 998 tỷ đồng, tăng 35%, khối phân phối - bán lẻ, giáo dục & khác lần lượt đóng góp 698 tỷ đồng và 149 tỷ đồng.
Trước đó, công ty đạt mục tiêu doanh thu năm 2014, song lợi nhuận trước thuế lại giảm 2%, đạt 2.459 tỷ đồng do lĩnh vực tích hợp hệ thống và trò chơi trực tuyến suy giảm. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng nhẹ 2% so với 2013, đạt 1.632 tỷ đồng.
Năm nay, FPT cũng lên kế hoạch đầu tư 2.031 tỷ đồng cho các lĩnh vực gồm viễn thông, xuất khẩu phần mềm và giáo dục. Tổng đầu tư cho khối viễn thông đạt cao nhất, lên tới 1.400 tỷ đồng nhằm mục tiêu tăng trưởng thuê bao và kế hoạch quang hóa, xây thêm các trung tâm dữ liệu để nâng công suất phục vụ và đẩy mạnh đầu tư cho truyền hình trả tiền.
Mảng toàn cầu hóa cũng được tập đoàn kỳ vọng khi mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2017 là 40% mỗi năm, tỷ lệ nhân viên người nước ngoài chiếm 10% vào năm 2017. Bên cạnh 2 thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) thực hiện năm 2014, FPT cũng đặt kế hoạch hoàn thành 1-2 thương vụ mua bán sáp nhập công ty con (hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin) của những đơn vị kinh doanh hạ tầng công ích, viễn thông, ngân hàng, thương mại, sản xuất...
Liên quan đến chất vấn của cổ đông cho rằng biên lợi nhuận ngày càng giảm, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Nguyễn Thế Phương thừa nhận đúng là có việc tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 3 năm gần đây giảm dần. "Tuy nhiên, tỷ lệ gần 30% vẫn khá là cao so với các công ty trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn và lãi suất huy động chỉ còn 6%", ông Phương nói.
Lý giải về sự suy giảm, đại diện FPT cho hay ngoài mảng trò chơi trực tuyến và tích hợp hệ thống khó khăn, còn có nguyên nhân đến từ chi phí nâng cấp đường truyền cao làm lợi nhuận của mảng viễn thông năm 2014 gần như không thay đổi; đầu tư cho thị trường nước ngoài, bán lẻ mới ở giai đoạn đầu nên lợi nhuận sẽ không cao.
"Tuy nhiên, đây là những nguyên nhân mà chúng tôi chủ động. Hy vọng năm 2015 tỷ suất lợi nhuận là mức đáy và sẽ tăng trưởng trong những năm tới", ông Phương nhận định.
Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc cũng chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I/2015 với doanh thu ước đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trên 640 tỷ đồng, tăng khoảng 10%. Theo ông Ngọc, lợi nhuận tăng thấp hơn doanh thu do chi phí khấu hao hạ tầng cáp quang lớn và năm 2015 được đánh giá là thời gian ảnh hưởng nhiều nhất.
Năm 2015, Hội đồng quản trị FPT trình cổ đông trả cổ tức tỷ lệ 35%, trong đó có 20% trả bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong quý II/2015.
FPT cân nhắc giảm sở hữu trong mảng phân phối, bán lẻ Chia sẻ với các cổ đông, Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc cho biết về lâu dài, ngành bán lẻ khó có thể tăng trưởng như công nghệ, viễn thông nên tập đoàn đang bàn tới kế hoạch thoái vốn tại FPT Trading và FPT Retail. "FPT đã thảo luận cùng các cổ đông lớn về chiến lược tăng trưởng những năm tới, trong đó có việc giảm tỷ lệ sở hữu tại FTG và FRT để thúc đẩy tăng trưởng khối công nghệ và viễn thông, cũng như tạo động lực mới cho FTG và FRT", đại diện công ty cho hay. |