Chủ tịch nước cùng hơn 100 doanh nhân trẻ trong buổi gặp mặt tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Nhật Minh
CôngThương - Những kinh nghiệm, đồng thời cũng là những tư tương mới mẻ về vai trò của lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển mới đã được Chủ tịch nước chia sẻ trong buổi gặp mặt thân tình với hơn 100 đại diện doanh nghiệp trẻ cuối năm 2011.
Chủ tịch Trương Tấn Sang: "Tôi biết các doanh nhân đều nóng lòng chấn hưng đất nước". Ảnh: Nhật Minh |
Nhắc nhở về thời hạn ít ỏi chưa đầy 9 năm để hoàn thành mục tiêu cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa, người đứng đầu nhà nước cho rằng vai trò đội ngũ doanh nhân trong việc thúc đẩy quá trình này là vô cùng quan trọng. Một trong số đó là giúp hình thành những ý tưởng, cải cách mới trong sản xuất kinh doanh, thông qua những cuộc tranh luận với lãnh đạo, người làm chính sách…
Từng có nhiều năm quản lý doanh nghiệp, Chủ tịch nước cho rằng vào thời của ông, khi ranh giới giữa bao cấp và đổi mới còn mong manh, nhiều cái lạ lẫm xuất hiện nên thường xuyên bị cấp trên về “hỏi thăm sức khỏe” .
“Tôi khi ấy chỉ 25 - 30 tuổi, như các bạn doanh nhân trẻ bây giờ. Tranh luận với các vị lãnh đạo thì họ tóc bạc, mình tóc xanh. Nhưng vẫn thấy các đồng chí ấy đeo kính, cầm bút ghi chép chăm chú lắm. Không rầy rà gì nhưng truy cho đến nơi đến chốn lắm: Vì sao đồng chí nói thế…”, người đứng đầu Nhà nước kể lại.
Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng cho hay, dù lần nào cũng tranh luận nhưng ông không hề bị cấp trên “nóng mắt”. Chủ tịch nước cũng tin rằng vào thời đó, cả trong nam lẫn ngoài bắc, lãnh đạo đâu đâu cũng giữ một thái độ cầu thị như vậy.
“Bây giờ đi họp buồn nhất là ít có người hỏi lại mình. Hoặc chỉ nói xuôi chiều. Tất nhiên nói xuôi chiều thì nhiều lúc cứ cho là vì mình nói đúng. Những cũng nên có những tiếng nói nghịch hoặc gợi mở lại”, ông chia sẻ.
Theo người đứng đầu Nhà nước, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì kinh tế là trọng tâm, doanh nghiệp là quân chủ lực. Do đó, những người đứng mũi chịu sào như doanh nhân cần phải có những tư duy mới, đột phá và phải khiến lãnh đạo, nhà làm chính sách hiểu được, tin được những ý tưởng đó.
Trong những chuyến công cán ngoại giao, Chủ tịch nước cho biết thường “khoe” với bạn bè quốc tế về đức tính cần cù, ham học hỏi của người Việt. “Nông dân ta không học nhiều, còn chế tạo được máy móc, cải tiến nông cụ. Không có lý do gì mà doanh nhân lại không có sáng kiến, khai phá những con đường mới”, Chủ tịch nước nói.
Cùng với đó, Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng đề nghị đội ngũ doanh nhân phải ý thức sâu sắc những khó khăn, thách thức của thời kỳ hội nhập, khi mà những bảo hộ ưu đãi với sản xuất trong nước sẽ cạn dần. Trong bối cảnh đó, ngoài việc tự lực cánh sinh, Chủ tịch cũng trông chờ vào sự đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khi tiến quân ra nước ngoài.
“Tôi thấy khi khai phá thị trường mới, doanh nghiệp nhiều nước họ đùm bọc nhau ghê lắm. Người đến trước giúp người đến sau có việc làm. Khi thành đạt rồi thì quay lại giúp lại nội địa. Doanh nghiệp ta đôi khi chưa làm được điều này”, Chủ tịch nước chia sẻ.
Cuối cùng, Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng yêu cầu cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cần xem trọng vấn đề đạo đức kinh doanh. Theo Chủ tịch, thị trường rộng lớn và hội nhập hiện nay thì đạo đức là điều bắt buộc đối với doanh nhân. Nếu lừa dối khách hàng, sản phẩm kém thì doanh nghiệp có thể bán hàng hôm nay, nhưng chắc chắc sẽ dẹp tiệm ngày mai.
“Ta thấy nhiều hãng ôtô nước ngoài, sản phẩm chỉ lỗi nhỏ nhưng họ thu hồi, sửa chữa, thậm chí hủy ngay lập tức. Ai đó nói là dại nhưng kỳ thực họ đang bảo vệ thương hiệu của chính mình. Doanh nghiệp ta nên nhìn vào đó mà học tập”, Chủ tịch Trương Tấn Sang đề nghị.