Chú trọng chất lượng tăng trưởng, nâng cao tính chuyên nghiệp cho du lịch
Theo báo cáo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, sau tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về tập trung phục hồi phát triển kinh tế, xã hội nói chung, phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng, Bộ này đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm kích cầu du lịch nội địa, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Quan điểm phát triển du lịch trong thời gian tới đó là gắn với phát triển xanh, bền vững gắn theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.... Ảnh: Indochine |
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi nhận, quá trình phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, tích cực, trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 08- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017, các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện và đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch và đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”...
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá, công tác phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19 đã đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỉ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.
Tính đến hết tháng 4/2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt (tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023), tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 40,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 273 nghìn tỉ đồng.
Đây được cho là kết quả phục hồi ấn tượng trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ nhiều khó khăn, thách thức mà ngành du lịch đang đối mặt, như: Một số thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm của Việt Nam vẫn chưa phục hồi được như trước dịch (Nga, Nhật, Tây Âu) do tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động.
Nguồn nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cơ cấu nguồn nhân lực về chất lượng và số lượng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19, vẫn còn tình trạng thiếu hướng dẫn viên đối với các thị trường trọng điểm, các thị trường mới nổi như Ấn Độ.
Sản phẩm du lịch tuy được cải thiện nhưng còn thiếu những sản phẩm mới, đặc sắc nổi bật, thiếu các khu phức hợp vui chơi giải trí - nghỉ dưỡng - mua sắm - ẩm thực hiện đại, quy mô quốc tế. Sản phẩm du lịch đường biển, đường sông còn thiếu cảng khách chuyên biệt, bến thủy, môi trường kênh rạch chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến việc phát triển tuyến du lịch đường biển, đường thủy nội đô...
Được biết, năm 2024, ngành du lịch hoàn thành mục tiêu năm 2024 đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa (trong đó có khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
Vì vậy, trước các khó khăn, thách thức, nêu rõ quan điểm phát triển du lịch thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh sẽ chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch; sự liên kết vùng, giữa các địa phương trong phát triển du lịch; sự liên kết giữa phát triển du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị; gắn với phát triển xanh, bền vững gắn theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”...
Đặc biệt, đối với phát triển sản phẩm du lịch đêm, trong thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch.
Để triển khai mô hình này, theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm: Xây dựng Quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm du lịch đêm; tổ chức triển khai và quản lý các hoạt động du lịch đêm; thu hút nguồn lực đầu tư; định hướng thị trường và tổ chức xúc tiến quảng bá; ứng dụng công nghệ thông tin...