Hàng năm, các DN Việt Nam nhập khẩu công nghệ và thiết bị với số lượng lớn, trong đó chủ yếu là thiết bị, máy móc và dây chuyền công nghệ toàn bộ, còn lĩnh vực nghiên cứu bí quyết và quy trình, tiến tới làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ mới thông qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) hầu như chưa được quan tâm. Hậu quả là công nghệ nhập khẩu lạc hậu, trong khi năng lực hấp thụ công nghệ thấp, dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu kém. Để khắc phục tình trạng đó, việc tìm kiếm, giải mã công nghệ, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ là vô cùng cần thiết.
Theo ông Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) - để có thể nhanh chóng bắt kịp được các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, các DN cần chú trọng giải mã công nghệ để chuyển nhanh từ giai đoạn mua công nghệ và làm chủ công nghệ sang giai đoạn cải tiến công nghệ và cao nhất là sáng tạo công nghệ mới.
Tại Việt Nam, vấn đề giải mã công nghệ đã được nhắc đến trong Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ và cụ thể hóa trong Quyết định 1069/QĐ-TTg ngày 4/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hiện nay chưa đề cập cụ thể đến các hoạt động giải mã công nghệ. Đây là một vấn đề quan trọng, cần xác định rõ các hoạt động mang tính đặc thù riêng của giải mã công nghệ, nhất là các vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính hỗ trợ, để xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ giải mã công nghệ và đặt hàng giải mã công nghệ.
Để thúc đẩy các hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ ở Việt Nam cần có sự đầu tư và phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật với các phòng thí nghiệm đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng và nguồn nhân lực chất lượng cao. |
Để thúc đẩy các hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ ở Việt Nam cần có sự đầu tư và phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật với các phòng thí nghiệm đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng và nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật giỏi. Cần xây dựng chiến lược về giải mã công nghệ đối với các sản phẩm chủ lực như: Cơ khí chế tạo, cơ điện tử; tự động hóa công nghiệp; công nghệ thông tin; các thiết bị dân dụng và các phương tiện giao thông... để nghiên cứu, cải tiến, tạo ra những sản phẩm công nghệ mới trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, giúp giảm giá thành đầu tư cho công nghệ mới và làm chủ được các công nghệ hiện đại.
Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, một trung tâm hỗ trợ đổi mới công nghệ cơ khí chính xác hàng năm có thể hỗ trợ các hoạt động hoàn thiện, giải mã và làm chủ công nghệ rất hiệu quả cho hơn 200 DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực cơ khí chế tạo.