Anh Trần Quốc Trọng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất Rượu vang Thanh Long kiểm tra bình ủ sản xuất rượu vang tại xưởng |
Gian nan khởi nghiệp
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , anh Trần Quốc Trọng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất Rượu vang Thanh Long (Long An) - cho biết, để có được sản phẩm rượu vang từ trái thanh long với công suất 50.000 lít/năm và doanh thu 1 tỷ đồng như hiện nay, công ty anh đã mất gần 2 năm nghiên cứu quy trình sản xuất và thử nghiệm với nhiều lần thất bại, tốn kém thời gian-tiền bạc. Với sự kiên trì, Trọng đã thành công khi tận dụng nguồn nguyên liệu thanh long loại xấu (không xuất khẩu được và chỉ bán khoảng 5.000 đồng/kg) để sản xuất rượu vang với trị giá tăng gấp 5 - 7 lần, mang đến lợi nhuận không chỉ cho công ty mà còn cho cả người dân trồng thanh long. Theo anh Trọng, để sản xuất được 1 lít rượu vang cần 5 kg thanh long nguyên liệu nhưng giá thành bán ra tới 270.000 đồng/lít.
Hiện sản phẩm của công ty Thanh Long được tiêu thụ rộng rãi khắp phía Nam, thậm chí công ty đã phải từ chối nhiều đơn đặt hàng vì không sản xuất kịp. “Chúng tôi muốn mở rộng xưởng, nâng cao công suất để đưa nhiều sản phẩm ra thị trường nhưng do vốn còn mỏng nên tất cả chỉ nằm trong ý tưởng và chưa thể thực hiện được”- anh Trọng chia sẻ.
Cũng chọn nông nghiệp để làm giàu nhưng con đường đến thành công của anh Đặng Tường Khanh, Giám đốc công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (Đồng Nai) dài và gian nan hơn. Anh Khanh cho biết năm 2006 công ty Trọng Đức đã liên kết với nông dân mở rộng vùng nguyên liệu ca cao lên 1.000 héc ta. Công ty đã tự bỏ tiền túi để ứng giống cho nông dân song do diện tích trồng ca cao tăng quá nhanh khiến công tác kỹ thuật không theo kịp, dẫn đến cây phát triển không như mong đợi, cộng với sự lên ngôi của các cây công nghiệp khác nên người dân đã chặt bỏ cây ca cao. Đến năm 2010 diện tích trồng ca cao bị sụt giảm chỉ còn 160 héc ta, số vốn đã cung cấp cho nông dân cũng bị mất trắng.
“Đã có thời điểm tôi hoang mang không biết phải làm sao để vực dậy công ty và giúp người nông dân có đầu ra ổn định. Cuối cùng tôi lên dự án hợp tác với ngân hàng để ứng vốn và “bao tiêu” toàn bộ sản phẩm cho nông dân hợp tác với mình. Bằng cách đó, người dân sẽ liên kết chặt chẽ với công ty, đầu ra cũng ổn định, sản xuất nhờ đó được duy trì. Từ chỗ diện tích ca cao ít ỏi 160 héc ta và doanh thu 8 tỷ đồng, đến nay doanh thu của Trọng Đức đã đạt 40 tỷ đồng, diện tích trồng ca cao cũng được tăng lên gần 500 héc ta, mang lại thu nhập ổn định cho gần 500 hộ nông dân” - anh Khanh cho hay.
Dù đã có thành công nhất định nhưng anh Khanh cho rằng muốn phát triển bền vững thì phải đầu tư vào chế biến sâu và cần nâng công suất nhà máy trên 1.000 tấn/năm thay vì làm nhỏ lẻ như hiện nay. Tuy nhiên kế hoạch này vẫn còn “trên giấy” bởi tiềm lực công ty chưa đủ mạnh, trong khi sự hỗ trợ từ địa phương lại không được nhiều...
Theo các chuyên gia, hiện nay có rất nhiều dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp song hầu hết đều không thành công vì khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, sản phẩm bị đánh đồng với hàng hóa thông thường và không tiếp cận được nguồn vốn…
Đại diện Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các dự án khởi nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay chưa có sản phẩm độc đáo cũng như chưa phát triển được đội ngũ nhân lực phù hợp với yêu cầu mang tính dài hạn. Chưa kể việc các dự án không dám tiếp cận các nguồn tín dụng không có tài sản thế chấp... Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 50 dự án nông nghiệp tham gia các chương trình đổi mới sáng tạo, nhưng chỉ có 1/2 trong số này được xem là thành công khi sản phẩm có thể thương mại hóa, dự án đứng vững trên thị trường.
Chung tay tiếp sức cho các start-up nông nghiệp
Để tiếp sức cho nông nghiệp, rất nhiều công ty, quỹ đầu tư lớn đã tham gia đầu tư vào những dự án khởi nghiệp nông nghiệp dưới các hình thức khác nhau. Đơn cử như Shark Tank Việt Nam. Dù chỉ là một chương trình truyền hình nhưng Shark Tank Việt Nam đã cho thấy hiệu quả kết nối giữa nhà đầu tư với các dự án khởi nghiệp của người trẻ. Theo đó, chương trình này vừa kết thúc mùa phát sóng thứ nhất với 22 thương vụ nhận được cam kết đầu tư, trị giá hơn 5 triệu USD. Trong số này có một số dự án về nông nghiệp như: dự án thực phẩm hữu cơ Ogami của Phạm Duy Sơn, dự án mạng xã hội nhà nông Fman của Đỗ Trần Anh, dự án Bột bã mía của Trần Phúc Hậu… Hiện Shark Tank Việt Nam đang tiếp tục phát động mùa 2 nhằm “nâng đỡ” cho các dự án khởi nghiệp của giới trẻ Việt.
Gần đây nhất, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Liên minh HTX Việt Nam và một số doanh nghiệp như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Đầu tư Saigon Peninsula đã phát động chương trình Khởi nghiệp Xanh trên quê hương Việt Nam; đồng thời cam kết rót 200 tỷ đồng cho giai đoạn 1 của chương trình.
Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ- cho biết, chương trình được tổ chức để hưởng ứng chương trình khởi nghiệp quốc gia do Chính phủ phát động. Theo đó, công nhân từ các khu công nghiệp không còn đủ điều kiện sức khoẻ để tiếp tục công việc, có mong muốn về quê lập nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để phát triển nông nghiệp. Ngoài đối tượng là công nhân, những thanh niên nông thôn, những người đã tốt nghiệp đại học... có ý tưởng sản xuất kinh doanh nhưng còn thiếu vốn đều có thể tiếp cận gói hỗ trợ này.
“Đối với những nhà khởi nghiệp trẻ tuổi, vốn đầu tư ban đầu là rất quan trọng. Tuy nhiên, cùng với vốn, thanh niên mới bước vào con đường sản xuất, kinh doanh còn nhiều điều cần sự giúp đỡ như kiến thức, sự quyết tâm, dám vượt qua thách thức, khó khăn… Do đó bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, chương trình còn đào tạo giúp các đơn vị khởi nghiệp trẻ nâng cao năng lực sản xuất, quản trị, hợp tác trao đổi chuyên gia trong và ngoài nước…”, ông Thành cho biết thêm.
Có thể nói, việc đầu tư vào startup đang trở thành làn sóng mạnh mẽ, đặc biệt khi năm 2017 đã có bước đột phá về chính sách của Chính phủ cho khởi nghiệp. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc nông nghiệp xứng tầm thế giới.