Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại An Giang: Tạo sức lan tỏa mạnh
Khách hàng đến tham quan và mua sắm tại Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn do DNTN Tứ Sơn tổ chức dưới hình thức siêu thị lưu động |
Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2015 và hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Sở Công Thương An Giang đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình “Hàng Việt về nông thôn năm 2015” trên địa bàn, tạo sự lan tỏa mạnh đến cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo thông tin từ Sở Công Thương An Giang, năm 2015, Sở đã chủ trì, phối hợp tổ chức và tiếp nhận, theo dõi doanh nghiệp tổ chức 9 phiên chợ và 19 chuyến bán hàng lưu động. Doanh số bán hàng đạt 13,15 tỷ đồng. Khách đến tham quan và mua sắm khoảng 139.190 lượt người. Cụ thể, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp tổ chức 5 phiên chợ, tổng doanh số bán hàng được 5,05 tỷ đồng, khách đến tham quan và mua sắm khoảng 50.590 lượt người. Trong đó, 2 phiên chợ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức tại huyện Chợ Mới và Châu Thành; 3 phiên chợ phối hợp với Siêu thị Tứ Sơn (DNTN Tứ Sơn) tổ chức tại huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, An Phú dưới hình thức siêu thị lưu động. Đồng thời, Sở Công Thương tiếp nhận, theo dõi doanh nghiệp tổ chức 4 phiên chợ và 19 chuyến bán hàng lưu động. Doanh số bán hàng được 8,1 tỷ đồng, khách đến tham quan và mua sắm khoảng 88.600 lượt người. Kết quả trên cho thấy, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được người tiêu dùng hưởng ứng, tin tưởng ủng hộ.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đều có chung ý kiến, nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền đến bà con về điểm bán hàng và công tác an ninh trật tự... Ông Trần Minh Tân - Phụ trách marketing của Siêu thị Coomart Long Xuyên - cho biết, do thời gian bán hàng phần lớn trong ngày nên chưa phục vụ hết nhu cầu mua sắm của bà con. Hy vọng, năm 2016, Sở Công Thương tiếp tục chủ trì tổ chức nhiều chương trình “Hội chợ hàng Việt”, “Ngày hội hàng Việt”… Các chương trình này sẽ có thời gian bán hàng tại các địa phương lâu hơn. Ngoài việc tuyên truyền trên đài phát thanh địa phương, có thể tuyên truyền theo hình thức treo băng ron, cờ phướn... để thu hút doanh nghiệp, người tiêu dùng hưởng ứng.
Ông Tạ Minh Sơn - chủ DNTN Tứ Sơn - cho hay, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang đã mang lại hiệu ứng rất tích cực. Các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm, mở rộng thêm kênh phân phối tại thị trường nông thôn; giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức trong việc tiếp cận các sản phẩm thương hiệu “Made in Việt Nam” có chất lượng cao, phù hợp với thu nhập của người dân.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Sở Công Thương An Giang: Năm 2016, Sở Công Thương sẽ tiếp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng địa phương ưu tiên sử dụng hàng Việt; phối hợp địa phương thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ về thông tin thị trường, xúc tiến thương mại các chuyến bán hàng lưu động và phiên chợ hàng Việt. |