Chương trình hành động của Bộ Công Thương gắn với thực tế doanh nghiệp
Tin hoạt động 11/05/2020 09:47
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2020 được xem là Hội nghị ”Diên Hồng”, thu hút sự quan tâm và mong đợi của cộng đồng DN. Bộ trưởng đánh giá như nào về hội nghị này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thăm và làm việc tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hội nghị cuộc gặp chính thức đầu tiên có quy mô lớn trên toàn quốc giữa cộng đồng DN với người đứng đầu của Chính phủ, thành viên của Chính phủ kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, tiếp tục kéo dài và có những diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên toàn cầu. Đây là cơ hội để các cơ quan chức năng và DN đánh giá cụ thể, đầy đủ và toàn diện những tác động của Covid-19, cũng như công tác phòng, chống dịch vừa qua đã ảnh hưởng thế nào đến phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đến hoạt động của cộng đồng DN. Ngoài ra, Hội nghị cũng là dịp để DN bày tỏ ý kiến và nhận xét những chính sách, chỉ đạo điều hành của Chính phủ ở góc độ duy trì hoạt động sản xuất, vượt qua khó khăn cho DN và cả những vướng mắc tồn tại. Đồng thời cho biết, Chính phủ cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và có những hỗ trợ như thế nào cho cộng đồng DN.
Hơn thế nữa, đây còn là dịp để các bộ, ngành rà soát, đánh giá, định vị lại vai trò, vị trí, nhiệm vụ trong tổng thể kế hoạch của Chính phủ, đưa nền kinh tế trở lại bình thường trong trạng thái mới. Từ đó, có những kế hoạch cụ thể, mang tính toàn diện và có sự phối hợp chặt chẽ, nhằm đảm bảo hiệu quả chung, tránh lãng phí, thất thoát nguồn lực.
Thưa Bộ trưởng, để hỗ trợ DN một cách thiết thực và hiệu quả nhất, Bộ Công Thương triển khai những giải pháp nào trong thời gian tới?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương đã tập trung lắng nghe những cơ hội và khó khăn mà DN gặp phải. Bộ sẽ trao đổi, cụ thể hóa để có sự thống nhất giữa Bộ Công Thương và các bộ, ngành dưới sự điều hành của Chính phủ, đảm bảo các chương trình hành động, kế hoạch, giải pháp của Bộ Công Thương, ngành Công Thương gắn với nhu cầu thực tế của DN trong hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh (SXKD). Theo đó, Bộ Công Thương đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh |
Thứ nhất, tiếp tục cùng các bộ, ngành phối hợp, đánh giá lại chính xác những vấn đề đặt ra của cộng đồng DN trong sự tồn tại và phát triển. Thứ hai, tập trung giải quyết các nhóm, những khó khăn của cộng đồng DN đang gặp phải. Đó là làm sao khôi phục nguồn cung trong chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia, từ chuỗi cung ứng điện tử, da giày, dệt may, đồ gỗ, sản phẩm thực phẩm, nông sản chế biến… Tất cả nội dung này được Bộ Công Thương nghiên cứu và hoạch định chính sách, bao gồm cả các giải pháp trước mắt, ngắn và dài hạn.
Thứ ba, khai thông thị trường và đảm bảo cho hoạt động sản SXKD của các DN. Thời gian qua, thị trường trong nước đã chứng tỏ sức mạnh, vai trò trong việc chống đỡ những tác động của Covid-19, đây cũng là khu vực có nhiều dư địa, với trên 100 triệu dân và là cơ hội tốt phát triển bền vững DN. Chính phủ và chính quyền địa phương cần tập trung, khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, đặc biệt là hệ thống chợ đầu mối, trung tâm thương mại lớn, hệ thống các chợ vùng nông thôn, miền núi và những khu vực còn khó khăn.
Thứ tư, khẩn trương ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy cơ chế liên kết trong khuôn khổ của chuỗi cung ứng giữa DN sản xuất, DN phân phối với ngân hàng cũng như đối với nông dân trong sản xuất và các cơ sở sản xuất.
Thứ năm, khẩn trương thúc đẩy hỗ trợ cộng đồng DN đổi mới công nghệ trong lĩnh vực phát triển thương mại nội địa trên cơ sở nền tảng về thương mại điện tử (TMĐT) và nền tảng công nghệ số. Đặc biệt, phải giải quyết cơ sở pháp lý để đảm bảo quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng trong đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại trong TMĐT. TMĐT sẽ là trụ cột rất quan trọng cho thương mại nội địa và thương mại xuyên biên giới, thương mại quốc tế để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hậu Covid-19.
Đối với thị trường ngoài nước, khai thông lại các thị trường truyền thống và tiếp tục phát triển mạnh thị trường mới cũng là 1 trong những mục tiêu, nhiệm vụ của Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ sẽ có những chương trình hành động cụ thể cho từng khu vực, quốc gia. Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục thúc đẩy tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), dự kiến có hiệu lực ngay từ ngày 1/7. Đây chính là cơ hội quan trọng để chúng ta vượt qua đại dịch, thúc đẩy thương mại quốc tế và xuất khẩu.
Trong vai trò vừa là tham mưu cho Chính phủ, vừa lắng nghe những ý kiến của các DN và đặc biệt là DN thuộc ngành Công Thương, theo Bộ trưởng, làm thế nào để hài hòa giữa chính sách của Chính phủ và mong muốn của các DN?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Để hài hòa giữa chính sách của Chính phủ với mong muốn của DN, quan hệ giữa Chính phủ và cộng đồng DN cần phải được xây dựng trên sự tương tác tích cực. Hơn ai hết, Chính phủ rất cần được lắng nghe tiếng nói, đánh giá, nhận xét một cách khách quan và toàn diện từ cộng đồng DN. Đồng thời, cần phải có tính toàn diện giúp cả hai bên tương tác, cùng trao đổi về những vấn đề lớn và những vấn đề nóng, vấn đề cần thiết, cấp bách cho sự phát triển.
Để làm được điều đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải đặt mình trong một tâm thế mới, đồng hành cùng DN nhưng phải hiểu đúng, hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với DN. Đặc biệt, cả cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN đều phải đặt mình trong một bối cảnh mới. Bởi những tác động của Covid-19 đang làm rung chuyển và làm thay đổi cả bộ mặt, cơ cấu kinh tế, thương mại toàn cầu, đời sống nhân dân.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bộ Công Thương đang xây dựng kế hoạch điều hành tổng thể theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường sau dịch Covid-19. |