Hoa Kỳ giảm thuế chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam: Những tác động tích cực Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ |
Bà Bùi Kim Thùy - Đại diện Cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam (USABC), Thành viên Hội đồng cố vấn Harvard – Asia Pacific - đã có buổi trao đổi với phóng viên Vuasanca xung quanh vấn đề này, nhân chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ (từ ngày 11-17/5).
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris trong chuyến thăm Việt Nam, ngày 25/8/2021 (Ảnh: VGP) |
Từ ngày 11-17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc. Bà đánh giá thế nào về quan hệ giữa ASEAN – Hoa Kỳ, cũng như quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng trong thời gian qua?
Chuyến công tác tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên mà Thủ tướng đi công tác nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN đầu tiên mà Thủ tướng tham dự trực tiếp với tư cách là người đứng đầu của Chính phủ Việt Nam, chứ không phải trực tuyến.
Quan hệ đối tác ASEAN – Hoa Kỳ được thiết lập từ năm 1977 trải qua nhiều giai đoạn, đạt kết quả khả quan trên các bình diện khác nhau, cả trong hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Sau 45 năm, lòng tin được nâng cao, thương mại - đầu tư được tăng cường, giao lưu nhân dân được đẩy mạnh.
Năm 2015, ASEAN thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), là nền kinh tế lớn thứ 3 ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Dự kiến, nền kinh tế ASEAN sẽ tăng trưởng trên 5% mỗi năm để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2030. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 trên thế giới của Hoa Kỳ.
Ngược lại, Hoa Kỳ xuất khẩu hơn 122 tỷ USD hàng hóa do Hoa Kỳ sản xuất sang ASEAN hàng năm. Điều này tạo ra và hỗ trợ hơn 625.000 việc làm cho người Mỹ và tại 13 bang của Hoa Kỳ. Như vậy, ASEAN chiếm hơn 20% số việc làm phụ thuộc vào xuất khẩu đến từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đặc biệt, ASEAN là điểm đến số 1 cho đầu tư của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đã nhận được hơn 338 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hoa Kỳ, nhiều hơn Hoa Kỳ đã đầu tư vào Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.
Như vậy, vị trí của ASEAN với Hoa Kỳ là vô cùng quan trọng, trong đó, Việt Nam với Hoa Kỳ càng quan trọng.
Bà Bùi Kim Thùy - Đại diện Cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam (USABC), Thành viên Hội đồng cố vấn Harvard – Asia Pacific |
Việt Nam là 1 trong những nền kinh tế mới nổi, phát triển, năng động nhất trong số các thành viên của ASEAN. Trong ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore xét về số lượng các FTA đã ký kết và đang tham gia, nhưng Singapore chỉ tập trung về dịch vụ, không có sản xuất, Việt Nam lại là nền kinh tế có hoạt động sản xuất toàn diện tùy vào quy mô sản xuất.
Trong khi đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Năm 2021, thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh, với tổng kim ngạch đạt hơn 111,56 tỷ USD.
Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có nhiều cơ hội, dung lượng, dư địa để xuất khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm có giá trị gia tăng cao sang Hoa Kỳ vì Việt Nam là nền kinh tế gần như sản xuất toàn diện. Ngược lại, trọng tâm của Hoa Kỳ là kinh tế số. Hoa Kỳ và Việt Nam là hai nền kinh tế có tính bổ sung hài hòa nhau. Được biết, hiện nay, một số doanh nghiệp dệt may hàng đầu của Việt Nam đang có kế hoạch nhập khẩu hàng tỷ USD bông COTTON USA – loại bông có chất lượng tốt nhất - từ Hoa Kỳ để tạo thành phẩm và sau đó xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Hoa Kỳ. Điều này thể hiện sự bổ sung rõ rệt, mang tính hài hòa.
Về đầu tư, đến tháng 3/2022, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Đây là con số hết sức tích cực, tuy nhiên thể hiện chưa rõ. Bởi theo cách tính toán hiện nay, có nhiều nguồn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam nhưng lại không được tính vào nhóm Hoa Kỳ, do các công ty đa quốc gia chuyển tiền từ 1 nước nào đó mà không phải chuyển trực tiếp từ Hoa Kỳ. Vì vậy, khi tính tỷ lệ FDI đầu tư vào Việt Nam, con số đó được tính cho nền kinh tế khác chứ không phải Hoa Kỳ, thực tế lại là đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Theo tôi, cần xem xét cách tính toán mới và việc dùng từ “đầu tư cho Việt Nam” chứ không phải là “đầu tư vào Việt Nam”. Kinh tế số không có biên giới, phát triển bất kỳ nơi đâu, vì vậy, Hoa Kỳ “đầu tư cho Việt Nam” sẽ có rất nhiều, thậm chí lớn hơn đáng kể so với con số mà chúng ta đang tính ở phương pháp cũ.
Ngoài ra, hợp tác y tế và ứng phó COVID-19 giữa Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục là điểm sáng. Thời gian vừa qua, Việt Nam rất thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 được thế giới, Hoa Kỳ ghi nhận thông qua việc thành lập Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tuy nhiên, thành lập Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam không có nghĩa CDC Hoa Kỳ đặt tại Hà Nội, Việt Nam mà đây là CDC Hoa Kỳ tại ASEAN, lấy Việt Nam là trụ sở chính. Đây chính là bước tiến lớn của Việt Nam trong việc phát triển y tế để ổn định, phát triển kinh tế. Trong bối cảnh Covid-19, y tế có tốt thì mới tập trung phát triển kinh tế. Theo tôi, đây là dấu mốc quan trọng cho hiện tại và trong tương lai gần, hợp tác phát triển y tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ rất tốt.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận Liên doanh Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ trong khuôn khổ chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ vào tháng 9/2021 |
Hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ tích cực triển khai Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Xin bà cho biết vai trò của Bộ Công Thương trong việc nỗ lực triển khai Kế hoạch hành động này, cũng như tăng cường hợp tác và giải quyết các vấn đề tồn đọng trong quan hệ thương mại?
Bộ Công Thương được Chính phủ giao cho đầu mối, chủ trì đàm phán tất cả các FTA mà Việt Nam hay ASEAN tham gia. Chính phủ đã nỗ lực đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng rất tiếc đến phút cuối không có sự tham gia của Hoa Kỳ, và Hiệp định TPP đổi tên mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Mặc dù Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có FTA, song thời gian qua, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính, cơ quan hữu quan khác đã nỗ lực, có nhiều biện pháp hài hòa cán cân thương mại, trong đó, giảm thuế một số mặt hàng, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu sản phẩm từ Hoa Kỳ thông qua việc giảm thuế. Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ như bông, ngô hạt, sản phẩm từ sữa,…
Bên cạnh đó, nhiều công ty lớn của Việt Nam như Bamboo, Vietnam Airlines, Vietjet đã có những hợp đồng hàng tỷ USD nhập khẩu máy bay Boeing, nhập khẩu các trang thiết bị, động cơ khác sử dụng trong ngành hàng không… cũng góp phần hài hòa quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ theo hướng có lợi cho cả hai bên, và bổ sung cho nhau theo hướng tận dụng tối đa ưu điểm từng bên.
Trong bối cảnh sau đại dịch hiện nay, nhiều ưu tiên của Việt Nam trùng hợp với những ưu tiên của Chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, đó là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và y tế. Bà đánh giá như nào về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới?
Hiện nay, Hoa Kỳ có 3 cột trụ quan trọng ưu tiên phát triển. Cột trụ thứ 1 là kinh tế số, được thể hiện ở kết nối số và an ninh mạng. Ưu điểm lớn nhất của Hoa Kỳ chính là “số” (digital). Hoa Kỳ có ứng dụng số, công nghệ số đứng đầu toàn cầu, trong khi Việt Nam đang xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm hữu hình, các sản phấm có thể đánh thuế quan tại Hoa Kỳ. Hai nền kinh tế có thể bổ sung cho nhau, thông qua xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam và ứng dụng công nghệ số của Hoa Kỳ trong việc rút ngắn thời gian của logistics, thông quan,… “Số” là hiện tại và tương lai của thế giới, đồng thời cũng là tương lai của Việt Nam. Đây cũng là trụ cột hợp tác phát triển Hoa Kỳ - Việt Nam, cũng như Hoa Kỳ - ASEAN. Vì vậy, hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực số nên là điểm nhấn, ưu tiên, tạo nên niềm tin số trong quan hệ của 2 bên.
Cột trụ thứ 2 của Hoa Kỳ là năng lượng. Hoa Kỳ tập trung vào năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Đối với chuyển đổi xanh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó tỷ lệ điện than giảm xuống dưới 10%, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến hơn 50% đến năm 2045. Đây cũng thể hiện cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP 26, trung hòa phát thải carbon từ nay đến năm 2050. Phát biểu của Thủ tướng tại COP26 được Hoa Kỳ đánh giá rất cao. Với cam kết này, Việt Nam đã thể hiện tư duy ở tầm cao.
Cột trụ cuối cùng của Hoa Kỳ là hạ tầng.
Có thể nói, dư địa phát triển quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất nhiều. Tôi cũng kỳ vọng qua chuyến thăm và làm việc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục hợp tác kinh tế, thương mại với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp.
Xin cảm ơn bà!