Ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ thu, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân, người lao động nên công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, việc số hóa các dữ liệu hồ sơ sẽ giúp cơ quan BHXH đảm bảo được tính chính xác khi truy xuất thông tin và liên thông kết quả xử lý trong thời gian ngắn nhất.
Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế về an sinh xã hội đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và khu vực, ngành BHXH xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng được các yêu cầu tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới.
BHXH Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số nhằm phục vụ người lao động và doanh nghiệp ngày một hiệu quả hơn |
Trước nhiệm vụ đặt ra, kể từ năm 2017, ngành BHXH bắt đầu triển khai hình thức kê khai nộp BHXH qua giao dịch điện tử, giúp cho doanh nghiệp giảm được thời gian đi lại chờ đợi khi nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, chính thức nâng cấp và cung cấp miễn phí Phần mềm kê khai nộp BHXH (phần mềm K- BHXH) lên phiên bản Web để hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động và cá nhân tham gia giao dịch điện tử với cơ quan BHXH từ ngày 12/8/2019.
Đặc biệt, trong năm 2019, ngành BHXH đã tích hợp, liên thông các phần mềm nghiệp vụ nhằm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT với phần mềm xét duyệt hồ sơ hưởng và chi trả các chế độ BHXH nên đã rút ngắn được thời hạn giải quyết chế độ BHXH cho người lao động (NLĐ). Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp chính thức khai trương Cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH và kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia (NGSP) phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo đại diện BHXH Việt Nam, trên nền tảng ứng dụng CNTT, ngành BHXH đã và đang hoàn thiện hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: Tin nhắn (SMS); thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); phân tích, khai thác được lượng dữ liệu rất lớn của ngành trên BIGDATA; thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội; cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên cấp độ 4.
Đáng chú ý, thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, BHXH Việt Nam đã tích hợp để thực hiện dịch vụ công cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Những nỗ lực của ngành BHXH trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT đã kịp thời tháo gỡ các rào cản trong giải quyết TTHC, tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian giao dịch cho doanh nghiệp, người dân với cơ quan BHXH, được Chính phủ và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về ứng dụng CNTT, 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), tại “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin- truyền thông (ICT-index) Việt Nam”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng cao trong Bảng xếp hạng chung khối Bộ, ngành có dịch vụ công.
Tại cuộc họp về chuyển đổi số ngành BHXH mới đây, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam – ông Phạm Lương Sơn tiếp tục khẳng định, ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều cố gắng, quyết tâm trong công tác chuyển đổi số và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. "Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ của ngành đã tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành và đặc biệt giúp nâng cao năng lực hiệu quả trong công tác phục vụ đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp"- ông Sơn nhấn mạnh.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn do tình hình dịch bệnh hiện tại, vì vậy, để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong công tác chuyển đổi số của ngành, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã yêu cầu các các đơn vị trong toàn ngành cần nâng cao hơn nữa quyết tâm chính trị, quán triệt sâu sắc và nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn nữa về “nội hàm” của công tác chuyển đổi số trong đó có mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, nội dung, cách thức thực hiện... trong tình hình mới.
Theo đó, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện rà soát lại để hoàn thành các quy chế, quy định nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý trong triển khai thực hiện; cập nhật và bổ sung các văn bản chuyên ngành; thực hiện đánh giá, kiểm tra, rà soát lại các cơ sở dữ liệu (CSDL) hiện có của ngành BHXH; đề xuất chuyển đổi số gắn với xây dựng trụ sở thông minh, văn phòng thông minh; các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam được yêu cầu nhanh chóng triển khai xây dựng các tiểu đề án về chuyển đổi số, trong đó mục tiêu bám sát vào các nhóm giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ qua đó làm cơ sở thực hiện xây dựng Đề án Chuyển đối số của ngành BHXH Việt Nam.
Về thực hiện CSDL quốc gia về BHXH, ông Phạm Lương Sơn đề nghị, các đơn vị trong ngành cần thực hiện phổ biến quán triệt các nội dung về Nghị định số 43/2021/NĐ-CP và Quyết định số 455/QĐ-BHXH đối với việc xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm đến từng đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố; từ đó, biến thành nội dung cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác hàng năm; có đánh giá, sơ kết tổng kết triển khai theo quý, theo năm; thực hiện chế độ báo cáo thực hiện nhiệm vụ theo quý; tiếp tục tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan về CSDL quốc gia về BH. Riêng đối với ứng dụng VssID- BHXH số, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, triển khai đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên ứng ứng VssID để tăng thêm tiện ích cho người sử dụng.
Thông tin về các hoạt động chuyển đổi số, ông Lê Nguyên Bồng- Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện Trung tâm này đang phối hợp cùng với các vụ, ban liên quan thực hiện lộ trình của Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số của ngành giai đoạn 2021-2025. Đồng thời đã nghiên cứu và đề xuất về các công nghệ chuyển đổi số nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh; thúc đẩy phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cấu trúc dữ liệu phục vụ kết nối, chia sẻ thông tin của CSDL quốc gia về bảo hiểm; kết nối và cung cấp dữ liệu danh mục dùng chung trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia…
BHXH Việt Nam vừa ban hành Quyết định 861/QĐ-BHXH thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam. Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam có Quy chế hoạt động do Trưởng ban quyết định, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Trưởng ban, Phó Trưởng ban chỉ đạo được ký, ban hành các văn bản sử dụng con dấu của BHXH Việt Nam; các văn bản khác sử dụng con dấu của Trung tâm Công nghệ thông tin. Ban chỉ đạo thành lập Tổ giúp việc do Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin là Tổ trưởng và thành viên là công chức, viên chức của các đơn vị liên quan theo đề xuất của Tổ trưởng. |