Chuyển đổi số doanh nghiệp: An ninh mạng yếu tố sống còn
Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến “Xây dựng, bảo mật nền tảng điện toán đám mây - Cơ sở hạ tầng quan trọng trong chuyển đổi số tại DN” tổ chức ngày 3/12/2021, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng: Hạ tầng số phát triển được coi là bệ phóng cho công cuộc chuyển đổi số. Việt Nam đã đặt mục tiêu thúc đẩy kinh tế số đóng góp khoảng 20% trong GDP vào năm 2025.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, những năm vừa qua, công nghệ điện toán đám mây xuất hiện đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp máy tính, thay đổi cơ bản cách thức sử dụng các nguồn tài nguyên, cơ cấu vận hành cũng việc lưu trữ, phân phối và xử lý thông tin... Tại Việt Nam, điện toán đám mây đã được xác định là một trong trọng tâm trong chiến lược hạ tầng số, bên cạnh hạ tầng viễn thông như 5G, platform thiết yếu, hay hệ thống đường truyền internet cáp quang băng thông rộng… Đây là những tiền đề quan trọng cho lộ trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh trong cộng đồng DN.
Tuy nhiên, theo ông Đào Việt Hùng - Trưởng đại diện Akamai Technologies Việt Nam, hoạt động trên không gian số, đòi hỏi các DN cần có khả năng và sự thay đổi nhanh để thích ứng, cạnh tranh với đối thủ, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng kịp thời, chất lượng, tính trải nghiệm cao. Điều này, cũng sẽ khiến phạm vi phơi bày thông tin và các chính sách về bảo mật của DN phải mở hơn, nguy cơ lộ lọt, mất an toàn toàn thông tin cũng cao hơn. Để thích ứng, các DN cần phải giải quyết được 2 bài toán, đó là “trải nghiệm khách hàng (thuận tiện, lợi ích, mang đến các giá trị mới…)”, nhưng vẫn phải “đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật cho khách hàng và chính DN”.
Ảnh minh họa |
Ông Hùng cho rằng, bảo mật thông tin, an ninh mạng có ý nghĩa sống còn trong chuyển đổi số đối với các DN. Bởi thực tế đã cho thấy, khi môi trường mạng phát triển, các cuộc tấn công mạng cũng đã diễn ra không ngừng, từ đơn giản đến phức tạp, từ từ chối dịch vụ… đơn thuần, đến tấn công trực diện vào các website của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm mục đích lấy cắp dữ liệu để bán, tống tiền, hoặc tấn công mang tính chất phá hoại. Bên cạnh yếu tố quản lý của nhà nước, thì các DN cần phải có các giải pháp hữu hiệu cho riêng mình để loại bỏ, ngăn chặn các nguy cơ bị tin tặc tấn công.
Tại hội thảo, ông Trần Minh Tuấn - Phó Viện trưởng phụ trách điều hành, Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin Truyền thông), cho biết, trong qui hoạch chung về hạn tầng số, thì đến năm 2030, hạ tầng viễn thông tại Việt Nam cơ bản sẽ hoàn thành việc chuyển sang hạ tầng số. Đây là nền tảng quan trọng cho kinh tế số, chính phủ số, xã hội số phát triển, cũng như quá trình chuyển đổi số của DN. Trong qui hoạch, cũng đã chú trọng định hướng và các giải pháp về an toàn thông tin mạng, đặt mục tiêu Việt Nam cơ bản sẽ thuộc nhóm các cường quốc về không gian mạng, an toàn và an ninh mạng... Định hướng phát triển các nền tảng, hệ thống, giải pháp để bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia; tạo lập niềm tin số; tự chủ công nghệ và làm chủ thị trường an toàn thông tin mạng; có hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu lớn phục vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng; có nền tảng điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin; phòng vệ cho không gian mạng; phát triển nền tảng điều hành, chỉ huy an toàn không gian mạng, phổ cập dịch vụ an toàn thông tin cơ bản….
Ông Đồng Sỹ Cường - Giám đốc Trung tâm Giải pháp và dịch vụ số Viettel IDC, cho rằng, an toàn toàn thông tin mạng đó là phải đảm bảo tính bảo mật thông tin, quyền riêng tư; dữ liệu toàn vẹn; tính tính sẵn sàng của dữ liệu. Hiện nay, đã có nhiều giải pháp về bảo mật, an toàn thông tin trên nền tảng điện toán đám mây được các đơn vị công nghệ đưa ra. Tuy nhiên, bất kỳ hệ thống công nghệ nào, dù có tiên tiến đến đâu, thì cũng vẫn có những điểm yếu, sơ hở, từ đó sẽ dẫn đến những nguy cơ bị tin tặc tấn công. Rủi ro mất an toàn thông tin lớn, hay nhỏ, còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trước tiên là DN có trang bị hệ thống bảo mật, an toàn thông tin hay không, rồi cách thức xử lý dữ liệu ra sao, vận hành hệ thống thế nào...
Theo ông Cường, để bảo vệ an toàn thông tin, các DN cần lưu ý, đó là “qui trình, con người và công cụ”. Nếu có con người có đủ năng lực để vận hành, xử lý, làm chủ công nghệ, có các công cụ bảo mật thích hợp để thường xuyên kiểm soát vận hành hệ thống, thì các lỗ hổng về bảo mật, nguy cơ bị tấn công mạng sẽ hạn chế, có thể kịp thời bịt các lỗ hổng mất an toàn, hoặc xử lý nhanh chóng các tình huống bị tin tặc tấn công. Việc đầu tư cho an toàn thông tin, an ninh mạng, an toàn càng cao thì đương nhiên chi phí cũng sẽ càng lớn. Các DN cũng cần phải nhận diện được rõ thực tế, qui mô và chiến lược hoạt động của mình đến đâu, trên cơ sở đó, cân đối nguồn lực để lựa chọn các giải pháp phù hợp để trang bị cho vấn đề đảm bảo an toàn thông tin.