Chuyện ghi ở nước Úc
Một công viên cây xanh cấp quận ở Sydney.
- Kỳ 1: Canberra - Nơi gặp gỡ
Sang Úc công tác, tôi được Thương vụ Việt Nam tại Úc đón tiếp chu đáo. Trên đường từ sân bay về nhà, Tham tán Thương mại Nguyễn Bảo tranh thủ giới thiệu cảnh đẹp của Sydney. Thời gian ngắn, kiến thức thu nạp kiểu “vỡ lòng” nên tạm hiểu nước Úc về thể chế có 3 cấp chính quyền, đầu não là chính quyền liên bang, sau đó là chính quyền của 6 bang và 2 vùng tự trị cuối cùng là chính quyền của 700 địa phương.
Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị của Vương quốc Anh là người đứng đầu nhà nước, cho nên trên lá cờ của Úc vẫn có biểu tượng của Vương quốc Anh. Nữ hoàng chỉ định toàn quyền Úc làm đại diện cho mình.
Năm 2010, một sự kiện chính trị nổi bật, lần đầu tiên Úc có chính phủ mới do một phụ nữ lãnh đạo. Tháng 6/2010, bà Julia Gillard đã trở thành nữ Thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Công đảng cầm quyền. Thủ tướng tiền nhiệm, ông Kevin Rudd bị bất tín nhiệm do trong giai đoạn cuối cầm quyền đã có nhiều sai lầm về chính sách đối nội, đối ngoại, nhất là ý tưởng áp dụng khoản thuế siêu lợi nhuận đánh vào các công ty khai khoáng đầy thế lực.
Úc là hòn đảo lớn nhất thế giới, nhưng cũng là lục địa nhỏ nhất thế giới với 7,69 triệu km2, diện tích chỉ sau Nga, Canada, Trung Quốc, Mỹ và Brazil với 23 triệu dân. Ông Bảo cho biết, xưa Úc định lấy Sydney làm thủ đô vì đây là thành phố lớn nhất nước Úc, nhưng Melbourne, thủ phủ của bang Victoria, có mỏ vàng với trữ lượng rất lớn, không chịu.
Trong phong trào đổ xô đi tìm vàng vào những năm 50 của thế kỷ 19, Melbourne trở thành một trong những thành phố thịnh vượng nhất thế giới. Thế là nước Úc phải xây dựng thủ đô mới ở giữa Sydney và Melbourne - Canberra, cách Sydney khoảng 300 km và cách Melbourne hơn 600 km. Thế là hết cãi nhau! Cái tên Canberra xuất phát từ chữ “Kamberra” tiếng thổ dân Úc, có nghĩa là “nơi gặp gỡ”.
Thời gian trên chuyến ô tô từ sân bay về nhà không nhiều, tôi được ông Bảo cho đi xem lướt quang cảnh Sydney. Nhà hát Opera con sò, biểu tượng của Sydney, các công viên cây xanh và bảo tàng nghệ thuật.
|
Tác giả (thứ tư từ trái sang) đến thăm Thương vụ Việt Nam tại Sydney |
Cơ quan Thương vụ là một ngôi nhà cổ ở trung tâm, đất đắt nhất Sydney. Các đoàn công tác của Việt Nam sang Úc thường lấy cơ quan Thương vụ làm điểm xuất phát cho các cuộc làm việc và đi lại. Đầu năm 2011, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã sát nhập vào cơ quan đại diện thuộc Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, do đặc thù khu vực, Thương vụ không phải nằm trong sứ quán tại Thủ đô Canberra mà được đặt tại thành phố Sydney. Thương vụ tại Úc đang kiêm nhiệm thêm thị trường Vanuatu, quần đảo Marshalls, Micronesia và quần đảo Solomon.
Công việc hàng ngày của Thương vụ là tăng cường xúc tiến, gặp gỡ các cơ quan tổ chức, hiệp hội và các doanh nghiệp nước sở tại, tích cực tìm kiếm, nghiên cứu, thu thập những thay đổi về chính sách, các số liệu về kinh tế, thương mại đầu tư và du lịch của nước sở tại để cung cấp cho nhà nước hoặc các doanh nghiệp khi có nhu cầu.
Cán bộ thương vụ chỉ có ba người, địa bàn rộng, kiêm nhiệm nhiều, nhưng thời gian vừa qua cũng đã kịp tìm hiểu hầu hết thị trường các bang của Úc. Đến địa phương nào, Thương vụ cũng tranh thủ làm việc với các cơ quan xúc tiến thương mại, phòng thương mại và công nghiệp, chính quyền bang, một số doanh nghiệp địa phương để tìm hiểu tình hình, tìm kiếm cơ hội hợp tác v.v…
Chính trị tại Úc cũng hay thay đổi nên công việc của Thương vụ cũng “chóng mặt” với các cơ chế chính sách mới. Nhưng ông Bảo cho biết, chính sách đối ngoại của đảng cầm quyền vẫn chú trọng châu Á và có vai trò với tương lai nước Úc. Nên đây cũng là cơ hội tốt cho ta trong làm ăn với bạn. Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, kinh tế Úc vẫn được đánh giá tương đối vững chắc do được hưởng lợi từ mức giá cao của các mặt hàng xuất khẩu như: Than đá, quặng sắt…
Thu Trang