Chuyên gia hiến kế giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Sản phẩm công nghiệp văn hóa phải có tính nghệ thuật, độc đáo
Nghiên cứu xác định một số sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong tình hình mới là một chủ đề quan trọng, hấp dẫn để hiện thực hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chia sẻ tại hội thảo khoa học nhiệm vụ “Nghiên cứu xác định một số sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong tình hình mới” ngày 15/12 do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho hay, Nghị quyết 09-NQ/TU xác định tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của Thủ đô là du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; mỹ thuật; nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thời trang; ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh; xuất bản.
Thành phố tập trung phát triển công nghiệp văn hoá vào ba ngành gồm du lịch văn hóa, ẩm thực và nghệ thuật biểu diễn |
Nhấn mạnh Hà Nộiđang đi đầu phát triển công nghiệp văn hóa, tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú cũng cho rằng, phải đánh giá được thực trạng, xác định đúng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa tiêu biểu, thế mạnh để ưu tiên tập trung đầu tư thì mới tạo được đột phá trong thời gian tới.
Chỉ ra những lĩnh vực có thế mạnh thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, so với Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của cả nước, Hà Nội đã đề xuất thêm ngành ẩm thực – một ngành thực sự có tiềm năng phát triển lớn của Thủ đô.
"Thành phố xác định ba ngành gồm du lịch văn hóa, ẩm thực và nghệ thuật biểu diễn có nhiều dấu ấn, tiếng vang thời gian vừa qua để tập trung phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa thế mạnh là rất chính xác. Vấn đề là cần lựa chọn được những sản phẩm, dịch vụ từ những ngành này để ưu tiên đầu tư" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Mỳ nói.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Mỳ gợi mở một số sản phẩm, dịch vụ triển vọng. Cụ thể, về du lịch văn hóa có du lịch "theo dấu chân Bác"; du lịch lễ hội chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Đậu, đền Và, phủ Tây Hồ, làng Chuông; về ẩm thực, có thể là giò chả Ước Lễ, phở Lý Quốc Sư, bánh mỳ Hà Nội, cốm làng Vòng, bánh tôm Hồ Tây, bánh trung thu cổ truyền Bảo Phương, cỗ phố cổ, chả cá Lã Vọng, bún chả Hà Nội; Về nghệ thuật biểu diễn có múa rối nước, ca trù, hát văn, xẩm, lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, chương trình thực cảnh Tinh hoa Bắc bộ…
Chia sẻ thêm, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa - xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho biết: Để xác định được sản phẩm công nghiệp văn hóa Thủ đô ưu tiên phát triển thì cần phân biệt sản phẩm công nghiệp văn hóa khác với các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp như thế nào. Sản phẩm công nghiệp văn hóa phải có tính nghệ thuật, độc đáo, hấp dẫn. Từ đó, các cơ quan, đơn vị chức năng xây dựng Bộ tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Cần cơ chế để tạo sản phẩm công nghiệp văn hóa đột phá
Góp ý thêm, theo nhạc sĩ Quốc Trung, người sáng lập và tổng đạo diễn Monsoon Music Festival – thương hiệu nghệ thuật của Hà Nội, các sản phẩm văn hóa của Hà Nội hiện nay đứng trước nhiều khó khăn để trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa. Ở các quốc gia có công nghiệp văn hóa phát triển, mỗi sản phẩm văn hóa đều được đầu tư, chuẩn bị trong 3-5 năm, trong khi ở Hà Nội, nhiều sản phẩm chỉ được dành vài ngày hoặc vài tháng là ra mắt.
"Muốn thực hiện công nghiệp văn hóa, chọn được sản phẩm cho phát triển công nghiệp văn hóa mang tính đột phá, đáp ứng nhu cầu của người thụ hưởng, khiến khách hàng dù đi thật xa, bỏ tiền thật nhiều vẫn sẵn sàng thì ngoài nỗ lực của những người sáng tạo, cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, tạo điều kiện từ các cấp, ngành, địa phương. Phát triển công nghiệp văn hóa là nhu cầu của mọi người, mọi cấp, ngành, địa phương và đem lại lợi ích cho toàn xã hội" - nhạc sĩ Quốc Trung cho hay.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Quyên, giảng viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho hay: Sản phẩm công nghiệp văn hóa phải thể hiện được tính sáng tạo, bởi vì công nghiệp văn hóa chính là một trong những nhóm ngành thuộc công nghiệp sáng tạo. Một sản phẩm công nghiệp văn hóa phải hội tụ được hai yếu tố đó là tính nghệ thuật và tính thương mại thì mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và tạo nên động lực phát triển cho từng địa phương, cũng như từng quốc gia.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Quyên cho rằng, để tạo nên được sản phẩm công nghiệp văn hóa hoàn thiện, còn phải có các chính sách hỗ trợ. Chúng ta đã có chiến lược tổng thể quốc gia, nên trên cơ sở đó, mỗi địa phương phải chọn những sản phẩm văn hóa phù hợp với nhu cầu, lợi thế và đặc biệt đặt trong bối cảnh mà các địa phương trên cả nước và các quốc gia trên thế giới đều coi công nghiệp văn hóa là lĩnh vực trọng tâm tạo nên động lực phát triển.