Công nghiệp phục hồi nhờ ngành chế biến chế tạo |
Năm 2021, dù Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng toàn ngành công nghiệp vẫn đạt 4,82% so với năm 2020, trong đó, tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng GDP của Việt Nam. Còn trong 4 tháng đầu năm nay, tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 7,4%, đây cũng là mức tăng trưởng khá tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, tác động đến giá cả và nguồn cung nguyên, nhiên liệu trên thế giới.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính |
Để có được kết quả tăng trưởng công nghiệp như vậy, vai trò của Bộ Công Thương rất quan trọng. Bộ Công Thương đã vào cuộc sát sao để thúc đẩy hoạt động công nghiệp tại các doanh nghiệp khôi phục trở lại vào thời điểm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 vào quý III/2021, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện sáng kiến “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến” để khôi phục sản xuất công nghiệp, tích cực triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn với tình hình mới. Cùng với đó, phối hợp với nhiều bộ, ngành, tạo điều kiện để ngành công nghiệp đạt bước tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV/2021 (6,52%) và 4 tháng đầu năm 2022 (7,4%).
Qua kết quả tăng trưởng ngành công nghiệp quý I/2022, có thể thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự thích ứng tốt với bối cảnh mới, đồng thời cho thấy sự quan tâm về chính sách, đồng hành của các cơ quan, ban ngành, trong đó có ngành Công Thương trong quá trình thực hiện biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp từ 7-8% trong năm 2022 vẫn còn nhiều thác thức bởi những khó khăn mà nền kinh tế trong nước và thế giới đang phải đối mặt do đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, tình hình lạm phát leo thang ở một số quốc gia là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương tới đây nên rà soát lại cơ chế, chính sách, có phương án tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp liên quan đến logistics, kho bãi, chi phí xuất nhập khẩu… Cùng với đó, rà soát lại những cam kết của Việt Nam trong một số Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, từ đó có những tuyên truyền sâu rộng, gắn gọn, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu và kích thích sản xuất trong nước phát triển.
Với những giải pháp như vậy, tôi tin là tăng trưởng của ngành công nghiệp trong năm 2022 sẽ khởi sắc và nó chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% theo yêu cầu của Chính phủ.