Thời gian qua, giá xăng dầu thế giới tăng chóng mặt, khiến giá xăng dầu trong nước cũng tăng theo. Trong bối cảnh đó, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã nỗ lực điều hành và giữ giá xăng dầu trong nước. Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực đó?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Tôi đánh giá Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã có những giải pháp điều hành một cách năng động và kịp thời trước tình hình xăng dầu trên thế giới biến động phức tạp, từ đó bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong nước, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Việt Nam cũng đã thực hiện giảm phí, thuế cho giá xăng dầu và đảm bảo giá xăng dầu trong nước bám sát với giá thế giới. Đây là những điểm tích cực cần được cần ghi nhận.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh |
Hiện có 2 công cụ để điều hành và tránh cho giá xăng dầu tăng quá cao là Quỹ bình ổn giá xăng dầu và thuế, phí, nhưng theo báo cáo của doanh nghiệp thì quỹ bình ổn hiện đã âm. Vậy còn phí, thuế, theo ông chúng ta còn dư địa để kiểm soát giá xăng dầu không?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Theo tôi, phí thuế để kiểm soát xăng dầu thời gian tới đây là hạn chế. Đã có một số so sánh nói rằng, xăng dầu Việt Nam bị chịu nhiều phí và thuế quá cao, nhưng đấy là so với một số các nước, còn so với một số quốc gia hiện nay có giá xăng dầu cao hơn Việt Nam như Singapore, thì có lẽ tỷ lệ đó lại là con số khác, nên tuỳ vào nước mà chúng ta so sánh.
Để giảm tác động của giá xăng, dầu đến sản xuất kinh doanh và kinh tế vĩ mô trong nước, bên cạnh thuế, phí theo tôi, các doanh nghiệp phải điều chỉnh cả những phương thức vận tải, sử dụng năng lượng. Theo đó, trước mắt cần tận dụng nguồn năng lượng tái tạo mà hiện nay chúng ta chưa tận dụng được thật tốt, còn về lâu về dài, phương án sử dụng ô tô tải điện hoặc vận tải đường thuỷ bằng điện cũng cần được triển khai.
Việt Nam cũng cần tính đến việc sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện xanh thay vì xe cá nhân và xe sử dụng nhiều xăng dầu... Đây vừa là cơ hội và một thách thức mà chúng ta cần tính đến nhằm ứng phó với tình hình giá cả và nguồn cung xăng dầu hiện nay và cả trong tương lai. Đồng thời, những phương thức này cũng phù hợp với các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP 26.
Hiện dư luận đang xôn xao việc giá xăng Malaysia đang ở mức 13.000 đồng/lít, nhờ được Chính phủ nước này trợ giá. Mức giá này cũng chỉ dành cho người dân bản địa. Đối với thực tế tại Việt Nam, ông bình luận gì về việc trợ giá này, đặc biệt là đặt trong bối cảnh cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26, cũng như Việt Nam là quốc gia xuất khẩu với khoảng 74% kim ngạch xuất khẩu thuộc về khối FDI?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì, rất khó có thể là dùng các biện pháp trợ giá để giữ giá xăng dầu của Việt Nam thấp so với giá của các nước trong khu vực, cụ thể, là đạt mức giá 13.000 đồng/lít giống như Malaysia. Bởi nếu làm như vậy thì sẽ làm trầm trọng hơn hiện tượng buôn lậu sang các nước xung quanh.
Việt Nam là có một bờ biển dài và có biên giới dài với nhiều quốc gia, các quốc gia ấy không có trợ giá xăng dầu như vậy, nên tôi không nghĩ biện pháp trợ giá xăng dầu như Malaysia là không thích hợp với Việt Nam.
Biện pháp trợ giá xăng dầu như Malaysia là không thích hợp với Việt Nam |
Chưa kể, Việt Nam là một quốc gia mạnh về , hiện tại, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang bị điều tra về chống bán phá giá, thì đấy cũng là một góc độ cần xem xét thận trọng khi tính đến việc trợ giá xăng dầu xuống thấp.
Vì chúng ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và quốc tế. Nếu chúng ta xuất khẩu rất mạnh sang các thị trường trên thế giới, thì các doanh nghiệp tại quốc gia đó sẽ chịu sức ép cạnh tranh với sản phẩm xuất khẩu của chúng ta, họ sẽ tìm cách kiện cáo và khui ra những mặt này mặt kia để họ bảo vệ thị phần của họ. Đấy là điều mà tôi nghĩ những nhà hoạch định chính sách cần phân tích một cách đầy đủ, thấu đáo để tránh hệ luỵ không đáng có xảy ra với nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp.
Nếu như giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, và giá trong nước không thể nằm ngoài xu hướng tăng giá đó, ông có kiến nghị gì về các giải pháp an sinh xã hội, trước hết là cho nhóm người nghèo và người yếu thế trong xã hội?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ là, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội thời điểm này là cần thiết, bởi thời gian vừa qua, người nghèo, người yếu thế trong xã hội đã gặp phải nhiều khó khăn do dịch Covid-19.
Trên thực tế, thời gian qua, Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, người yếu thế trong xã hội, tuy nhiên các tiêu chí để nhận hỗ trợ thì vẫn còn phức tạp, khiến tiến độ giải ngân không đạt được như mong muốn. Nên tôi đề xuất, việc thực hiện các giải pháp an sinh xã hội cần đơn giản hơn, để người nghèo, người yếu thế dễ tiếp cận. Nếu làm được như vậy sẽ giảm khó khăn cho người nghèo, người lao động gặp khó khăn, giúp họ tiếp tục ổn định đời sống, công việc. Doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn khi trở lại hoạt động và ngân sách lại được phục hồi do có nguồn thu, tạo thuận lợi cho hồi phục kinh tế-xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!