Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Minh Phong: Bộ Công Thương tăng cường quản lý thị trường về giá cả là kịp thời, đúng đắn và phù hợp với bối cảnh hiện nay
Thời gian qua, những sự điều hành trong nước của Chính phủ, Bộ Công Thương về giá xăng, nhất là về vấn đề giảm thuế môi trường và các hoạt động tăng cung khác đã giúp giảm giá xăng dầu rất tích cực và đây là thành công cần ghi nhận, được dư luận rất hoan nghênh. Tuy nhiên, mức độ giảm giá các mặt hàng khác vẫn chưa tương xứng với giá xăng dầu và đây rõ ràng là một nghịch lý, gây bức xúc trong xã hội.
Trong bối cảnh đó, việc Bộ Công Thương chỉ đạo tăng cường quản lý, giám sát nhằm thúc đẩy sức ép để giảm giá các mặt hàng là rất cần thiết. Điều này phù hợp hoạt động quản lý của Bộ Công Thương, của Tổng cục Quản lý thị trường cũng như đáp ứng yêu cầu, sự mong mỏi của người dân và cũng như quán triệt chỉ đạo chung của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, cũng cần sự tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong đó Bộ Công Thương làm trọng tâm để triển khai các biện pháp quyết liệt hơn, trong đó cần kê khai, niêm yết giá cả các mặt hàng trong diện phải giảm giá mà chưa giảm giá, nếu chưa giảm thì cần phải giải trình cụ thể. Song song với đó, Bộ Công Thương và cơ quan Quản lý thị trường phải tăng cường thông tin về giá cả các mặt hàng trước và sau khi giảm giá xăng dầu nhằm tạo ra áp lực về giảm giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan tới cấu kết lũng loạn gây nhiễu giá, độc quyền giá nhằm chi phối thị trường; những vụ việc này cần được thông báo rộng rãi, nhằm nêu gương cho các đối tượng khác.
Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát những kẽ hở về pháp lý để hoàn thành cơ chế trực tiếp trong điều hành giá xăng dầu gắn với các mặt hàng khác theo hướng tăng cường kê khai, giải trình, đăng ký giá nhiều hơn và các chế tài phạt vi phạm cũng mạnh hơn; rút ngắn các trình tự và các khâu để thẩm định, để đăng ký và công bố, kê khai để tránh trường hợp trì hoãn thu được lợi nhuận, cơ hội bất hợp lý. Hơn nữa, tăng cường lưu thông hàng hóa, thông tin thị trường và dự trữ trên thị trường và đặc biệt là tuyên truyền nhằm tăng vai trò của người tiêu dùng để tạo áp lực buộc phải giảm giá.