Sẽ tiếp tục có nhiều công trình, dự án bị đình hoãn, giãn, cắt giảm để bố trí vốn tập trung cho các dự án cấp thiết, sớm hoàn thành.
CôngThương - Mức tăng trưởng GDP bình quân 6,5% cho giai đoạn 2011-2015 như kịch bản “khó khăn” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra được nhiều ý kiến đồng thuận hơn cả. Cũng có nghĩa, kịch bản thuận lợi với GDP bình quân tăng 7% hơi phải “kiễng chân”.
“Tăng trưởng 6,5% là hợp lý hơn. Con số đó có vẻ khiêm tốn nhưng Việt Nam cần quan tâm giai đoạn sau như thế nào nữa”, đại diện của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam nêu quan điểm. Theo vị này, Việt Nam nên đặt mục tiêu tăng trưởng thấp cho các năm trước mắt để chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho tăng trưởng cao hơn giai đoạn sau 2020.
Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị đã 3 năm. Nhiều tổ chức quốc tế, đại diện các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế chia sẻ sự đồng tình với những quan điểm, định hướng và mục tiêu lớn mà Bộ đưa ra lấy ý kiến lần này.
Sự cần thiết phải có một bước chuyển đổi là quan điểm chung, tình hình thế giới và trong nước đều được tính đến, đồng thời, tái cơ cấu đầu tư là cụm từ được sử dụng ở nhiều ý kiến phát biểu của đại diện cả hai phía: quốc tế và trong nước.
Góp ý vào dự thảo, đại diện WB dẫn một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để lưu ý những người lập kế hoạch cho nền kinh tế 5 năm tới, tăng trưởng thực tế của Việt Nam gần đây đã vượt quá tiềm năng. Cụ thể là cao hơn khoảng 1,7 điểm phần trăm.
“Cầu vượt cung. Nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng nóng và lạm phát là hệ quả mà Việt Nam phải đối mặt”, ông nói.
Bình luận thêm, vị đại diện WB cho rằng, đây là điểm khiến lạm phát ở Việt Nam tăng cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, dù cùng quy mô kinh tế và chịu chung tác động từ tình hình thế giới.
Không còn dư địa để “kích cầu”, nếu tiếp tục tăng trưởng dựa vào tín dụng và đầu tư lớn như giai đoạn trước thì hậu quả sẽ tiếp tục là lạm phát tăng cao. Bước chuyển đổi thời gian tới được nhiều ý kiến khuyến cáo: cần sử dụng nguồn lực vốn hạn chế hơn nhưng hiệu quả phải được nâng lên.
“Vấn đề hiện nay là hiệu quả đầu tư chưa cao, chúng tôi ủng hộ quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần ưu tiên tái cơ cấu đầu tư, trong đó có đầu tư công”, đại diện WB nói.
Phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau những lần tham vấn ý kiến quốc tế, nhiều nguyên tắc cho quá trình tái cơ cấu đầu tư cũng đã được đề cập trong dự thảo kế hoạch 5 năm 2011-2015, đáng chú ý là những thay đổi ở tư duy.
Hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém - một trong những thách thức trong quá trình phát triển - đang khiến những quan điểm ủng hộ tái cơ cấu đầu tư cần nhiều hơn lòng dũng cảm.
Nhưng nhìn thẳng vào những vấn đề nổi lên hiện nay của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thời gian tới sẽ phải từng bước điều chỉnh cơ cấu theo hướng giảm dần đầu tư công. Và để bù lại phần cắt giảm này, các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước sẽ được tăng cường huy động.
Điều chỉnh lớn trong bức tranh đầu tư giai đoạn tới là sẽ tiếp tục có nhiều công trình, dự án bị đình hoãn, giãn, cắt giảm để bố trí vốn tập trung cho các dự án cấp thiết, sớm hoàn thành. Cho nên, yếu tố hiệu quả được đặt ra trong bối cảnh chi đầu tư sẽ không còn “rộng rãi” như trước.
Với quy chế phân cấp quản lý đầu tư, Bộ cho rằng đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ phải đảm bảo nguyên tắc chỉ quyết định đầu tư khi đã xác định rõ về nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn ở từng cấp ngân sách.
“Việc xác định nguồn và cân đối vốn phải được coi là nội dung quan trọng trong hồ sơ dự án và thẩm định dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nói thêm.
Cũng theo Bộ, Việt Nam sẽ tiến hành những cải tiến về xây dựng kế hoạch đầu tư. Cụ thể là sẽ cân đối nguồn vốn cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án, ít nhất từ 3-5 năm trong kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn, thay vì bố trí kế hoạch vốn từng năm như hiện nay.