Những điều chắt lọc từ cuộc đời của cha
Chia sẻ cùng độc giả, bà Trần Uyên Phương cho biết, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua, tuân thủ theo khuyến cáo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, bà đã hạn chế ra đường, “tĩnh tâm khép cửa đọc sách”. Chính cách sử dụng thời gian hiệu quả trong những ngày dịch này, bà Trần Uyên Phương đã lĩnh hội và đúc kết được một số lượng lớn giá trị, chia sẻ và kinh nghiệm thực tế của rất nhiều tác giả.
Bên cạnh việc hình thành thói quen đọc sách, bà Trần Uyên Phương đã thử thách bản thân bằng việc chắp bút, tự mình viết sách. Năm 2017, bà cho ra mắt cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh”. “Đến khi hoàn thành cuốn sách, tôi mới cảm nhận được là ý nghĩa thực sự cuộc sống của một người là một chuỗi đúc kết không chỉ từ những trải nghiệm, kinh nghiệm mà còn từ những thách thức trong cuộc sống và cách thức người ấy đương đầu và xử lý với chúng” – bà Phương chia sẻ. Cuốn sách là nơi ghi lại những điều mà bà Trần Uyên Phương cảm nhận và học hỏi từ những kinh nghiệm cuộc sống và đương đầu với thách thức của chính người cha – ông Trần Quí Thanh.
Bà Phương kể lại ông Trần Quí Thanh luôn tâm niệm: Khái niệm đúng - sai trong cuộc sống chỉ mang tính tương đối, mỗi quyết định đưa ra sẽ dẫn lối chúng ta đến những bước ngoặt khác nhau, những trải nghiệm khác trong cuộc sống. Trong cuộc sống gia đình, người cha của bà luôn chọn cách giáo dục con cái theo hướng nghiêm khắc bởi những thành công đến với ông được gây dựng từ nền tảng là những trải nghiệm nghiêm khắc của của sống mà ông Thanh đã trải qua. Sở dĩ, bà Phương đưa vào cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh” câu chuyện trên là bởi bà tin rằng một nhóm đối tượng độc giả chính của cuốn sách là những người đang gánh trên vai những trách nhiệm lớn lao với gia đình và sự nghiệp. Họ sẽ dễ dàng thấu hiểu được những trải nghiệm và tìm được sự đồng điệu trong suy nghĩ với tác giả.
“Thời gian gần đây, tôi đặc biệt tâm đắc với một câu nói, đọng trong suy nghĩ suốt mùa dịch Covid-19, đó là: Những người anh hùng đều có xuất phát điểm là những người bình thường, tuy nhiên, họ giải quyết những việc bình thường một cách phi thường” – bà Trần Uyên Phương nói. Với bà, dịch bệnh Covid-19 vừa qua cũng giống như những thử thách trong cuộc sống bỗng chốc ập đến, “tất cả chúng ta đều đối diện với một vấn đề như nhau nhưng điều làm mỗi người trở nên khác biệt chính là thái độ, giải pháp, và cách thức chúng ta xử lý vấn đề”. “Mỗi con người sẽ có những kết quả rất khác nhau dựa trên những điều chúng ta tương tác với cuộc sống” – bà Phương tiếp lời. Và những điều trên cũng chính là những quan sát của bà Phương trong cách thức mà ông Trần Quí Thanh đương đầu với những biến cố. Với ông Thanh, những ký ức hay nỗi đau trong quá khứ không trở thành gánh nặng, kéo lùi những bước tiến thành công của ông. Ông luôn luôn nhìn thấy sẽ có những cơ hội, những điều tươi đẹp đang chờ đợi phía trước.
Nhân dịp này, cùng với Book365, bà Trần Uyên Phương đã gửi tặng 1.000 cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh”, với hy vọng mang tới cơ hội tiếp cận cho những độc giả đang mong muốn được trải nghiệm tựa sách này.
1% cơ hội cũng là 1% hy vọng để đạt đến ước mơ
Trả lời câu hỏi của độc giả liên quan tới những giải pháp mà Tân Hiệp Phát triển khai, nhằm vượt qua những khó khăn trên thị trường do dịch Covid-19 gây ra, bà Trần Uyên Phương chia sẻ, thời gian qua, không chỉ riêng Tân Hiệp Phát, mà rất nhiều doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng từ những xáo trộn trên thị trường do dịch bệnh gây ra.
Theo bà Phương, trong những nghịch cảnh như vậy, tâm lý của người đứng đầu doanh nghiệp chính là chìa khóa giải quyết vấn đề. Tiếp cận với thái độ bình tĩnh của người đứng đầu, cùng với sự đoàn kết, sát cánh của các bộ phận hỗ trợ, nhóm cận kề sẽ là “phương thuốc” hữu hiệu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Chia sẻ trước câu hỏi của độc giả về tầm nhìn 100 năm của Tân Hiệp Phát, bà Trần Uyên Phương cho biết, tầm nhìn xa này dựa trên nền tảng quan trọng là xây dựng con người. Dịch Covid-19 vừa qua, ở góc nhìn tích cực, cũng là dịp để mỗi con người Tân Hiệp Phát có cơ hội trải nghiệm. Khi có vấn đề, khủng hoảng xảy ra thì mỗi người cần sàng lọc thông tin, tìm giải pháp trấn an người thân, đồng nghiệp. Theo bà Phương, Tân Hiệp Phát luôn chú trọng đào tạo, xây dựng nên những con người thông qua những giá trị cốt lõi. Đó là nền tảng để THP có thể xây nên một doanh nghiệp tồn tại hàng trăm năm.
Chia sẻ với độc giả một số trải nghiệm trong việc viết sách, bà Phương cho biết, có những giai đoạn mà bà có ý định không xuất bản bởi nhận được rất nhiều luồng phản hồi tiêu cực và mọi người băn khoăn rằng không biết mình viết thật quá thì xã hội có chấp nhận hay không? Và liệu có ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Tân Hiệp Phát hay không? “Cho nên, trong quá trình viết sách sẽ có rất nhiều luồng ý kiến đóng góp, nhưng cuối cùng, bạn có thực sự muốn cho cuốn sách đó ra đời hay không và nếu muốn thì sẽ cần phải quyết định một ngày nào đó nó ra đời để mà hoàn tất” – bà Phương khẳng định.
Chia sẻ một số giá trị quan trọng nhất cho các bạn trẻ đang khát khao khởi nghiệp có thể gặt hái được khi họ đọc cuốn Chuyện nhà Dr Thanh, bà Trần Uyên Phương mong muốn các độc giả trẻ tuổi hiểu được rằng cuộc đời là một hành trình dài. Trên hành trình ấy, chắc chắn mỗi người sẽ gặp rất nhiều trở ngại, thách thức, miễn sao mỗi người không bỏ cuộc, luôn luôn tìm ra giải pháp, “kể cả 1% cơ hội cũng là 1% hy vọng để chúng ta đạt đến ước mơ của mình”.
"Đi qua sóng gió, có những lúc khó khăn nhất, tưởng chừng như khó có thể gượng dậy, con học được ở ba nghị lực sống mạnh mẽ, sự chấp nhận nhìn ra sai lầm, thái độ không oán trách, không đổ lỗi". Trích từ sách "Chuyện nhà Dr. Thanh" |