Cơ hội cho ngành da giày khi đối thoại FTA với EU ký kết
Ngành da giày Việt Nam có lợi thế với nguồn lao động trẻ, rẻ
- EU là đối tác thương mại quan trọng, thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam và luôn chiếm tỷ trọng thị phần nhập khẩu lớn nhất. Năm 2012, toàn ngành xuất khẩu được 8,764 tỷ USD chiếm 7,6% tổng kim ngạch của cả nước và chiếm 10,5% kim ngạch nhóm công nghiệp chế biến, trong đó kim ngạch xuất khẩu vào EU đạt 3,084 tỷ USD, chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Tính riêng giày dép chiếm 2,650 tỷ USD chiếm 36,5%, túi xách đạt 434 triệu USD chiếm 28,6%.
Thời gian qua, giao thương giữa Việt Nam và châu Âu trong phạm vi ngành da giày chủ yếu được thực hiện qua hình thức các nước EU nhập khẩu giày dép, túi xách từ Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ tư vấn, mua máy móc thiết bị từ Italia, da từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Ngành da giày Việt Nam là đơn vị thụ hưởng của các dự án hỗ trợ từ EU như dự án thương mại đa biên MUTRAP 1,7 tỷ euro, Unido, Switch- Asia, dự án CBI với việc nâng cao năng lực cho cán bộ Hiệp hội xúc tiến thương mại.
So với các nước cùng khu vực, ngành da giày của Việt Nam đang có nhiều lợi thế xuất khẩu vào thị trường EU. Ngành này đang giữ vị trí lợi thế số 2 sau Trung Quốc so với các nước trong khu vực với nguồn lao động trẻ khéo tay và đặc biệt môi trường đầu tư ổn định, an ninh. Tại thị trường EU, hiện nay việc áp thuế phá giá đối với giày mũ da đã được bãi bỏ tuy nhiên ngành đang đối mặt với cạnh tranh mạnh từ các nước Ấn Độ, Inđônêxia.
Việc hợp tác giao thương giữa Việt Nam và EU thông qua đối thoại FTA sẽ hỗ trợ rất lớn cho Việt Nam nói riêng và các nước Asean nhiều cơ hội phát triển. Nếu đối thoại FTA với EU được ký kết sẽ tạo cơ hội lớn ngành công nghiệp da giày Việt Nam. Trước hết là việc cắt giảm thuế từ 12,4% về 0% tạo cho ngành có lợi thế cạnh tranh so với các nước khác với chi phí phù hợp, tăng khả năng cạnh tranh hướng đến sự phát triển bền vững.
Tạicuộc gặp giữa các doanh nghiệp nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh giữa ASEAN– EU, ông Ngô Đại Quang- Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam- cho rằng: Đây là cơ hội cho cả hai phía trong việc mở rộng thị trường với ít rào cản nhất, là cơ hội thúc đẩy hàng hóa sang thị trường của 27 nước EU với dân số 499 triệu dân có mãi lực lớn đa dạng nguồn cung và thu nhập đầu người cao. Ngược lại, Asean sẽ là thị trường tiềm năng với 615 triệu dân vừa thị trường tiêu thụ vừa có thể là xưởng sản xuất giày dép cao cấp chiến lược cho đối tác EU tận dụng nguồn lao động trẻ, rẻ hơn so với giá nhân công của EU tạo tiền đề cho Việt Nam có thể hội nhập tham gia sâu chuỗi giá trị gia tăng ngành thời trang quốc tế.
Cơ hội thu hút đầu tư từ các nước EU vào các lĩnh vực máy móc thiết bị, thuộc da vốn là điểm mạnh từ các nước EU tạo nền tảng cơ sở hạ tầng cho ngành có cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất giày cao cấp lâu đời. Đây cũng là rào cản cho ngành cần thiết đầu tư để có thể cạnh tranh Trung Quốc khi đến năm 2015, thị trường khu vực Asean sẽ mở rộng cửa cho hàng hóa Trung Quốc xâm nhập sâu thì sẽ phát sinh các công ty Trung Quốc núp bóng dưới hình thức pháp lý của công ty quốc tịch Inđônêxia, Thái Lan… để xuất hàng vào EU.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành da giày còn đối mặt với nhiều khó khăn. Cạnh tranh từ các nước Asean có ngành da giày phát triển như Inđônêxia, Thái Lan. Do mức giảm thuế bằng 0% nên gây khó khăn cho sản xuất nội địa vốn mỏng manh nay càng khó hơn do tâm lý chuộng hàng hóa xuất xứ từ châu Âu, hàng nội địa cạnh tranh không lại. Hàng hóa xuất vào EU yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra cho doanh nghiệp sức ép cạnh tranh lớn cần phải đầu tư phát triển công nghệ, chất lượng để đáp ứng.
Về năng lực cạnh tranh sản phẩm, hầu hết giày dép là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành nhưng không mang thương hiệu của Việt Nam vì là hàng gia công cho nước ngoài. Giá trị gia tăng cũng còn thấp do chủ yếu là gia công, có trên 70% sản lượng xuất khẩu được thực hiện qua phương thức gia công, trong đó chủ yếu là từ các doanh nghiệp có vốn trong nước. |
Thúy Ngọc