Petrolimex đầu tư hiệu quả tại Lào |
Hơn 4,9 tỷ USD đầu tư sang Lào
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục Trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết: Đến nay, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã đầu tư sang Lào gần 300 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 4,9 tỷ USD, trong đó, vốn giải ngân đạt 1,4 tỷ USD, chiếm gần 29% tổng vốn đăng ký. Nhiều dự án đầu tư đã đi vào hoạt động và đạt được hiệu quả tốt, đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế- xã hội của Lào và được Chính phủ quốc gia này ghi nhận, đánh giá cao.
Điển hình trong số đó phải kể đến các dự án đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel; dự án phân phối xăng dầu của Tổng công ty Dầu Việt Nam và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam; Dự án tổ hợp sân Golf và khách sạn, nhà ở với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD của Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành.
“Nổi bật trong số các dự án đầu tư thành công tại Lào là dự án của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư tại tỉnh Attapeu. Dự án đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống, nhận thức của người dân nơi đây và đóng góp lớn phát triển kinh tế - xã hội của Lào” - ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, cơ hội đầu tư sang Lào của DN Việt Nam đang rất lớn. Nhận định này dựa trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt Nam - Lào trong nhiều năm qua. Chính phủ hai nước cũng có những chính sách thúc đẩy hợp tác đầu tư trong thời gian tới...
Những lưu ý khi đầu tư vào Lào
Dù cơ hội đầu tư sang Lào của DN Việt đang rất lớn, Chính phủ và các địa phương của Lào cũng rất chào đón DN Việt Nam sang đầu tư, nhưng không phải tất cả các dự án của DN Việt Nam đầu tư sang Lào đều thuận lợi. Bởi mỗi quốc gia có một phong tục, tập quán và hệ thống văn bản pháp luật riêng.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, khó khăn lớn nhất của DN Việt Nam khi đầu tư sang Lào là chính sách pháp luật của Lào chưa đầy đủ, có sự chồng chéo, không thống nhất giữa các địa phương với nhau. Ngoài ra, địa hình tại Lào khá phức tạp nên không dễ thực hiện dự án. Chính sách đầu tư của Lào lại giới hạn thời gian thăm dò chỉ 18 tháng nên có rất nhiều dự án chưa khảo sát, thăm dò xong đã hết thời hạn, lại phải xin giấy phép lại và chờ đợi mất thời gian.
Hiện Việt Nam đứng thứ 2 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có vốn đầu tư tại Lào. |
Nước bạn khống chế lượng lao động nước ngoài làm việc tại các dự án đầu tư nước ngoài (dưới 10% ). Do đó, các DN Việt Nam khó đưa người lao động sang làm việc. Trong khi lao động tại Lào lại thiếu kỹ năng, nên vấn đề đào tạo lao động cũng mất thời gian, chi phí cho DN.
Ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh: Muốn thành công khi đầu tư sang Lào, DN Việt Nam cần lưu ý 3 điểm, cụ thể: Tìm kiếm những dự án hiệu quả, phù hợp với khả năng của DN; đảm bảo triển khai dự án đúng pháp luật, đúng tiến độ; khi gặp phải khó khăn, báo cáo cả chính quyền sở tại nước đầu tư và cơ quan quản lý của Việt Nam để tìm cách tháo gỡ.