“Con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam”
Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước dâng hương tại bến K15 – Đồ Sơn- nơi xuất phát những con tàu không số
- Tới dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Trương Tấn Sang, UV Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư T.Ư Đảng; Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội, Tòng Thị Phóng, PCT Quốc hội, Huỳnh Đảm, chủ tịch MTTQ Việt Nam, Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch MTTQ VN, đồng chí Đặng Ngọc Tùng, chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cùng các đồng chí nguyên là các cán bộ chủ chốt của Quốc hội, Chính phủ cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban ngành, tướng lĩnh quân đội, Công an nhân dân; Lãnh đạo các tỉnh thành phố Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM, lãnh đạo các tỉnh thành phố có đường Hồ Chí Minh trên biển đi qua như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh và Cà Mau.
Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước dâng hương tại bến K15 – Đồ Sơn
Tham dự lễ kỷ niệm còn có các cựu chiến binh, thân nhân những anh hùng, liệt sỹ của đoàn tàu không số, các tầng lớp nhân dân; Đại sứ quán của Trung Quốc và Liên bang Nga tại Việt Nam.
Trong diễn văn kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh lại quá trình hoạt động, sự sáng tạo, những chiến công cũng như sự hy sinh của các cán bộ chiến sỹ Đoàn tàu không số, những người đã làm nên huyền thoại về đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.
Theo đó, cách đây 50 năm, trước âm mưu của kẻ thù muốn biến miền Nam thành khu vực quân sự, làm bàn đạp để đánh chiếm miền Bắc, Đảng ta đã xác định “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Cùng với Đoàn 559 mở tuyến vận tải đường bộ dọc dãy Trường Sơn thì ngày 23.10.1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn 759 (sau này là Đoàn 125) làm nhiệm vụ vận chuyển bằng đường biển, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Xuất phát từ bến K15, Đồ Sơn, Hải Phòng, chuyến tàu đầu tiên mang tên Phương Đông 1 mang theo 30 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) ngày 19.10.1962, khai thông tuyến vận chuyển hàng chiến lược đường biển, nối liền hậu phương lớn Miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Sau chuyến đầu tiên này, tính đến tháng 2.1965, ta đã tổ chức thành công gần 100 chuyến tàu chi viện vào chiến trường các bến Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa, Phú Yên và Bình Định. Đây là giai đoạn ta giữ được bí mật của tuyến vận chuyển chiến lược trên biển, hiệu quả đạt cao nhất.
Sau sự kiện tàu 143 bị lộ tại Vũng Rô (Vũng Tàu) vào tháng 2.1965, địch phát hiện tuyến đường chi viện của ta nên đã mở chiến dịch “Chống xâm nhập”, tăng cường kiểm soát, phong tỏa… nên các tàu không số của ta hoạt động rất khó khăn. Tuy nhiên, với ý chí không lùi bước, các tàu không số đã không ngừng tìm phương thức vận chuyển mới, cải dạng các tàu vận chuyển vũ khí thành tàu cá, tàu buôn của một số nước trong khu vực, đi theo các tuyến xa bờ, và vận tải trên hải phận quốc tế xuống tận phía nam sau đó mới tìm cách tiếp cận bờ. Trong giai đoạn này, các tàu của ta luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt, chiến đấu với kẻ thù. Nhiều trận đánh oanh liệt đã diễn ra, ta buộc phải hủy nhiều tàu, nhiều cán bộ chiến sỹ hy sinh…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Đoàn tàu không số
Cuối năm 1969 – 1972, ta tiếp tục mở rộng tuyến vượt ra ngoài vùng biển các nước, vòng xuống tận cùng vùng biển cực nam với tuyến đường dài hơn 3.500 hải lý, tổ chức vận chuyển thành công hơn 10 chuyến chi viện vũ khí cho miền nam. Từ 1971 – 1975, các tàu của ta hoạt động công khai (giả làm tàu cá, tàu buôn) có đầy đủ giấy tờ của ngụy quyền, vận chuyển được hơn 40 chuyến, đồng thời đảm bảo an toàn cho gần 3.000 cán bộ cao cấp của Đảng, nhà nước vào nam ra bắc công tác.
Trong cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1975, Đoàn 125 đã thực hiện nhiệm vụ chuyển quân và vũ khí, đáp ứng yêu cầu cấp bách của cách mạng, cùng với các lực lượng giải phóng, Đoàn tiếp quản các đảo, hải cảng, căn cứ ven bờ, giải phóng quần đảo Trường Sa và các tuyến đảo Tây Nam, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Phó Chủ tịch Quốc Hội Tòng Thị Phóng trao danh hiệu AHLLVTND cho tập thể 7 con tàu không số
Trong 14 năm hoạt động, các con tàu không số của ta đã hoạt động hàng trăm chuyến vào các bến bãi ngay trong lòng địch mà kẻ thù không hề hay biết, đến khi con đường bị lộ, mỗi chuyến đi là một chuyến cảm tử, những chuyến đi vượt ra ngoài vùng biển quốc tế đã dệt nên tuyến đường huyền thoại. Các con tàu vận chuyển trên 150 ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, hàng chục ngàn lượt cán bộ chiến sỹ chi viện cho chiến trường xa nhất, khó khăn nhất mà đường bộ không vươn tới được.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, thể hiện ý chí, khát vọng độc lập tự do, thống nhất Tổ Quốc. Giá trị to lớn và những thành tích, chiến công của Đường Hồ Chí Minh trên biển là minh chứng về tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo xuyên suốt, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự kế tiếp những kinh nghiệm truyền thống trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, đồng thời là một sáng tạo mẫu mực về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong giai đoạn cam go, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tuyến đường đã kịp thời vận chuyển đến những chiến trường xa nhất, nơi đang khát vũ khí nhất, tạo được tính bất ngờ lớn, có ý nghĩa quyết định trong những thời điểm quan trọng, làm thay đổi thế và lực của ta trên chiến trường.
Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam - cũng là hiện thân của sự kết nối bền vững giữa hai miền Nam – Bắc, sự gắn bó máu thịt giữa tiền tuyến và hậu phương, biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu chung giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Đó còn là sự gắn bó giữa cán bộ chiến sỹ trên các con tàu không số với dân, quân các địa phương ven bờ, sự đoàn kết, giúp đỡ của quân đội, nhân dân các nước XHCN anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc.
Chủ tịch nước cũng vinh danh các cán bộ, chiến sỹ của đoàn tàu không số, vinh danh đất cảng anh hùng, vinh danh các lực lượng tiếp nhận và vận chuyển vũ khí ở các bến từ Quảng Nam đến mũi Cà Mau, những con người kiên trung, một lòng một dạ với Tổ quốc. Chủ tịch nước kêu gọi toàn dân học tập và noi theo tấm gương sáng của các anh hùng đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng, quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, phấn đấu lập nên nhiều thành tích xuất sắc mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh biển đảo…
Cũng tại buổi lễ, chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho tập thể cán bộ, chiến sỹ đường Hồ Chí Minh trên biển, thuộc Quân chủng Hải quân vì đã có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; 7 tập thể tàu (tàu C235, C56, C121, C43, C69, C54, C55) thuộc Đoàn 125 – đoàn tàu không số được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 4 liệt sỹ và 2 cá nhân thuộc đoàn tàu không số được truy tặng và trao tặng danh hiệu AHLLVTND trong dịp này.
Trước khi diễn ra lễ mitting kỷ niệm, đồng chí Trương Tấn Sang cùng đoàn lãnh đạo cấp cao của nhà nước đã có buổi dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại bến K15- Đồ Sơn, Hải Phòng.
Trung Thành