Con đường trở lại câu lạc bộ các nước AAA: Chồng chất khó khăn!
- Dù chỉ là một bản tin bình thường nhưng bản tin đó đã làm cho cả một đất nước bị rung chuyển. Cách đây vài tuần, khi hãng đánh giá Standard & Poor's của Mỹ phát đi kết quả đánh giá của mình ra khắp thế giới thì các thị trường bỗng trở nên ảm đạm, các Ngân hàng trung ương buộc phải thi hành các biện pháp khẩn cấp và chính khách quyền lực nhất thế giới, Tổng thống Mỹ buộc phải lên tiếng với lời lẽ thật gay gắt. Trong khi đó hãng Standard & Poor's vẫn đĩnh đạc phát thông tin một cách chính xác. Hãng này viết: "Về lâu dài, chúng tôi đã hạ độ tin cậy về vay tín dụng của Mỹ từ AAA xuống AA+ ". Đây là một tuyên bố về một sự thật không mấy dễ chịu đối với một quốc gia từng được đánh giá là có khả năng trả nợ nghiêm túc. Từ đánh giá này, Mỹ bị mất vị trí trong câu lạc bộ tinh hoa của các quốc gia có số điểm tốt nhất.
Ít nhất thì Standard & Poor's không còn coi Mỹ xứng đáng với thứ hạng AAA và thậm chí có thể bị đánh giá một cách tiêu cực trong tương lai. Trong 2 năm tới, Mỹ có thể bị hạ mức từ AA+ xuống AA, ngang hàng với Slowenia. Cũng có tin đồn cả Pháp cũng sẽ bị mất vị trí AAA, nhưng tin này đã bị bác bỏ.
Năm 1992, Phần Lan từng bị mất thứ hạng AAA
Thật hổ thẹn đối với một quốc gia đầy kiêu hãnh. Vì từ chiến tranh thế giới II đến nay, Standard & Poor's mới tước bỏ danh hiệu của 9 quốc gia trong câu lạc bộ AAA nhỏ bé nhưng đầy danh giá này. Mỹ trở thành quốc gia thứ 10 và giờ đây phải xếp ngang hàng với Venezuela- nước này bị mất thứ hạng AAA-Rating vào năm 1982.
Venezuela trở nên đặc biệt giàu có trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ 2, giá dầu tăng vọt sau đó tình hình xấu và giá dầu giảm từ đầu những năm 80. Sau khi bị mất thứ hạng AAA, Venezuela tụt dốc nhanh chóng. Chỉ nửa năm sau đánh giá về tín nhiệm tín dụng của Venezuela tụt xuống hạng A-. Từ đó, nước này không thể quay trở lại đội ngũ những con nợ tốt. Nay Standard & Poor's đánh giá trái phiếu của Venezuela thuộc diện BB- (tức là đầu tư mang tính chất đầu cơ).
Tuy nhiên, Venezuela không nhất thiết phải là hình mẫu của Mỹ. Điều mà Venezuela không thể làm nổi thì một quốc gia khác - cũng rất giàu tài nguyên - đã giải quyết được. Đó là Australia. Tháng 12/1986, nước này bị hãng đánh giá hạ điểm Standard & Poor's tước thứ hạng AAA. Ít tháng trước đó, Bộ trưởng Tài chính Australia đã cảnh báo nước này có nguy cơ trượt theo nước "Cộng hòa chuối". Khi đó kinh tế Australia giống như kinh tế của một nước thuộc thế giới thứ ba: 77 % xuất khẩu của nước này là xuất khẩu nguyên liệu thô, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, than đá và quặng. Khi giá cả trên thị trường thế giới giảm thì nền kinh tế lập tức bị lao đao. Trong nhiều năm, người dân Australia nhập nhiều hơn xuất. So với tình hình hiện nay thì nợ nhà nước của nước này rất thấp, chỉ tương đương 12% tổng sản phẩm quốc nội (BIP), nhưng số nợ của các hãng và tư nhân tích tụ thành một khoản nợ rất lớn. Australia không chấp nhận tình trạng này, đã mạnh dạn cải cách và thi hành chính sách tiết kiệm triệt để và cuối cùng nước này đã quay trở lại với thứ hạng AAA. Tuy nhiên, Australia đã phải nỗ lực trong 16 năm. Năm 2003, Australia lại được Standard & Poor's cho điểm tối đa. Để đạt được điều này Australia đã hướng nền kinh tế của mình theo kinh tế thị trường nhiều hơn: phi tập trung hóa thị trường lao động, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Nay hoạt động dịch vụ là lĩnh vực lớn nhất, ngay cả khi nguyên liệu vẫn là những sản phẩm xuất khẩu quan trọng.
Song song với những biện pháp đó, Australia còn làm một việc mà hầu hết mỗi con nợ bị mất lòng tin phải làm đó là: triệt để tiết kiệm. Australia tăng thuế trị giá gia tăng để buộc người dân tăng cường tiết kiệm và tăng nguồn thu cho nhà nước. Nhưng điều chủ yếu là nhà nước đã thực hành tiết kiệm. Đến năm 2003 thì Australia gần như đã trả hết nợ và sự đánh giá cao về độ tín nhiệm cũng chẳng giúp ích gì cho nước này vì Australia không vay thêm các khoản nợ mới.
Cũng trong khoảng thời gian trên, còn 4 nước khác đoạt lại được điểm hạng nhất AAA, đó là Kanada, Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển. Lý do bị mất thứ hạng thường do khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng kinh tế, khi những cuộc khủng hoảng này đột ngột diễn ra hay kéo dài bất bình thường. Thụy Điển lâm vào một cuộc khủng hoảng ngân hàng tệ hại nên năm 1993 bị đánh tụt hạng. Phần Lan bị ảnh hưởng nặng khi Liên Xô sụp đổ vì Liên Xô là một đối tác thương mại lớn của nước này. Tiếp sau là khủng hoảng kinh tế làm cho Phần Lan phải vay nợ chồng chất và đến năm 1992, bị mất thứ hạng AAA. Canada trải qua hai cuộc suy thoái trầm trọng, nợ nhà nước tăng cao và đến năm 1992 nước này cũng mất điểm cao nhất của mình. Còn Đan Mạch chịu sự tác động nặng nề của nhà nước quá hào phóng cùng với sự phát triển kinh tế yếu kém nên thâm hụt ngân sách năm 1982 lên đến 15% tổng sản phẩm quốc nội – điều này làm người ta liên tưởng đến tình hình Hy Lạp ngày nay. Năm 1983 ,Đan Mạch không còn ở thứ hạng AAA.
Sự đánh tụt hạng không bao giờ diễn ra vội vã, chỉ xảy ra sau những tồn tại đã hiện ra trong một thời gian nhất định. Như ở Mỹ chỉ xảy ra sau khi người ta đã quyết định thi hành những biện pháp khắc phục mạnh mẽ, nhưng các biện pháp đó chưa phát huy tác dụng hoặc tạm thời làm cho tình hình nghiêm trọng hơn. Hans-Peter Burghof, giáo sư về ngành ngân hàng thuộc đại học Hohenheim nói "Quyết định hạ cấp thường không phải là một cú sấm sét bất chợt. Các hãng đánh giá (Ratingagentur) chẳng qua chỉ liệt kê sự thật, phán quyết khá muộn màng, có lẽ vì họ sợ làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường."
Standard & Poor's thường để nhiều thời gian trôi đi rồi chiêm nghiệm trước khi cân nhắc, xem xét tái xác nhận thứ hạng AAA. Có hai điều kiện cần thực hiện: thực hành tiết kiệm và cải cách kinh tế để tạo tăng trưởng. Biện pháp thứ nhất thường khá giống nhau ở tất cả các nước và dẫn đến việc cắt giảm hệ thống xã hội. Trong khi đó cải cách kinh tế lại diễn ra rất khác nhau. Một yếu tố quan trọng thường diễn ra là hạ lương thực tế để đẩy mạnh xuất khẩu. Người ta thực hiện biện pháp làm giảm giá đồng bạc một cách có chủ đích hay gỡ bỏ sự kết nối giữa đồng lương với mức lạm phát, hay như Phần Lan đã làm là giảm lương thực tế trên cơ sở thương lượng.
Những điều nói trên nghe ra quá cứng rắn nếu Mỹ muốn làm và không phải nước nào cũng cần thiết tiến hành cải cách như trên. Thí dụ ở Thụy Điển có sự khác biệt liên quan đến khủng hoảng ngân hàng. Người ta phải xây dựng lại hệ thống ngân hàng, tiến hành quốc hữu hóa ngân hàng, giảm gánh nặng thuế đối với các doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, không thể không tiến hành cải cách thị trường lao động, nhưng sự cải cách này không sâu sắc lắm như ở các nước khác. Điều này phần nào làm người Mỹ còn ít nhiều hy vọng vì Mỹ bị giảm thứ hạng cũng do hậu quả của một cuộc khủng hoảng ngân hàng. Tuy nhiên, ngay cả Thụy Điển cũng phải mất 11 năm mới được nhận lại thứ hạng AAA.
Việt Phương Theo F.A.S