Đại diện các doanh nghiệp thuộc top VNR500 tại lễ công bố.
CôngThương - Để được xếp hạng trong bảng VNR500 mọi thành phần kinh tế năm 2011, doanh thu tối thiểu của DN phải trên 1.500 tỉ đồng. Còn bảng xếp hạng VNR500 khu vực tư nhân năm 2011, doanh thu tối thiểu của DN phải đạt trên 600 tỉ đồng.
Bảng xếp hạng được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập theo chuẩn mực quốc tế của Cty Vietnam Report, định kỳ công bố thường niên từ năm 2007. Cùng với những hoạt động tích cực của Ban tổ chức và các thành viên Câu lạc bộ VNR500 với sự tư vấn và tham dự của các giáo sư hàng đầu thế giới đến từ Trường Kinh doanh Harvard, Hoa Kỳ (HBS) như GS John Quelch – nguyên Phó Hiệu trưởng HBS, GS Thomas Patterson – Giám đốc Trung tâm Shorenstein, HBS, GS Robert S.Kaplan, GS Joseph Nye, GS Stephen Walt...
Xếp hạng năm nay tiếp tục ghi nhận các DN trực thuộc khu vực kinh tế nhà nước, bao gồm các tập đoàn, các tổng công ty với tỉ lệ cao 41,6%, trong đó Tập đoàn Dầu khí VN là cái tên đầu tiên trong bảng xếp hạng. Đứng ở vị trí thứ 2 là TCty Xăng dầu VN, VNPT xếp thứ 3, còn DN là đối thủ chính trong viễn thông là Tập đoàn Viễn thông Quân đội xếp ở vị trí thứ 7. Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC cũng có một năm thành công khi đứng ở vị trí thứ 4, kế tiếp là Tập đoàn Điện lực VN EVN và Liên doanh Việt – Nga Vietsopetro. Vị trí thứ 8 là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản VN (TKV), thứ 9 là Tổng Công ty Dầu Việt Nam và đáng chú ý có một ngân hàng quốc doanh cũng lọt vào trong top 10 là Ngân hàng NNPTNT VN (Agribank).
Các DN khối tư nhân và FDI chiếm tỉ lệ lần lượt là 37,4% và 21,0% trong BXH. Điểm đáng lưu ý là tỉ lệ DN khối tư nhân trong BXH lần lượt tăng đều qua các năm (24% năm 2008, 30% năm 2009, 31,2% năm 2010 và 37,4% năm 2011). Một điểm tích cực là các DN trong VNR500 năm 2011 ngày càng chứng tỏ được sức mạnh đáng kể của mình với top 30 DN đầu tiên trong BXH đủ điều kiện gia nhập nhóm câu lạc bộ doanh thu 1 tỉ USD, mức doanh thu trung bình của các DN trong nhóm này đạt 3,2 tỉ USD (năm 2010 là 2,7 tỉ USD). Top 50 trong BXH 2011 cũng đủ tiêu chí về doanh thu để có thể đứng trong BXH Forbes 2.000 về top 2.000 DN lớn nhất toàn cầu.
Cùng với lễ công bố 500 DN hàng đầu là lễ công bố giải thưởng quốc gia Châu Á và DN Châu Á có uy tín tốt nhất trên truyền thông quốc tế, là hình thức vinh danh những quốc gia, DN có hình ảnh truyền thông uy tín nhất, đồng thời cũng là sự khuyến nghị các nước, mỗi DN cần hoàn thiện chính mình để có được hình ảnh đẹp hơn trên truyền thông quốc tế.
Về giải thưởng Best Country Media Reputation 2011 (quốc gia Châu Á có uy tín truyền thông tốt nhất năm 2011) dựa trên báo cáo nghiên cứu của Tập đoàn Media Tenor được thực hiện trên tổng cộng 17.249 tin và phóng sự trên 30 kênh truyền thông quốc tế uy tín... Kết quả giải thưởng này, Nhật Bản đoạt giải vàng, Ấn Độ đoạt giải bạc và Trung Quốc đoạt giải đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng trên 7 lĩnh vực. VN được đánh giá cao trên 2 lĩnh vực và được nhận 2 giải thưởng, đó là Best media reputation on diplomacy 2001 – quốc gia có uy tín truyền thông tốt nhất về hoạt động ngoại giao năm 2011 (đồng hạng cùng Indonesia) và Most positive media coverage 2011 – quốc gia được đánh giá tích cực nhất trên truyền thông năm 2011 (đồng hạng cùng Malaysia).
Giải thưởng Company Global Reputation Asia Award 2011 - giải thưởng DN Châu Á được Media Tenor thực hiện dựa trên 189.771 bản tin trên 38 kênh truyền thông quốc tế... Kết quả, Panasonic nhận giải vàng, Hyundai nhận giải bạc và giải đồng thuộc về Samsung.
Giải thưởng Vietnam Banking Reputation Awards 2011 do Vietnam Report và Media Tenor hợp tác nghiên cứu về hình ảnh và danh tiếng của nhóm 12 DN VN thuộc lĩnh vực ngân hàng (G12) trong năm 2011 dựa trên 1.191 bản tin trên các kênh truyền thông đại chúng của VN và 24 tiêu chí phân tích, đánh giá, kết quả cho thấy: 3 ngân hàng có uy tín nhất trên truyền thông VN năm 2011 là Techcombank (nhận giải vàng), Eximbank (giải bạc) và Maritime bank (giải đồng).
Truyền thông sẽ là ngòi nổ trong tài chính Michel Ogrizek - nhà tư vấn quốc tế dày dạn về truyền thông chiến lược, với hơn 20 năm kinh nghiệm tư vấn cho các nhà lãnh đạo của các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp toàn cầu – cho rằng, về mặt cơ cấu, cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới hiện nay có thể so sánh với các cuộc khủng hoảng mang tính chất hiệu ứng domino khác. Sự suy giảm lòng tin trong ngành tài chính thế giới sẽ chỉ lớn thêm và công luận sẽ đổ lỗi cho chính phủ. |