Xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng |
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tài trợ, sáng 28/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực và khả năng áp dụng ở Việt Nam.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, 57 quốc gia đã và đang áp dụng cơ chế thử nghiệm và có 73 loại cơ chế thử nghiệm cho các công ty về phát triển công nghệ tài chính |
Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thực tế trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia áp dụng cơ chế thử nghiệm. Năm 2016, lần đầu tiên cơ chế thử nghiêm được giới thiệu ở Vương Quốc Anh, sau đó lan toả sang nhiều quốc gia như Pháp, Thuỵ Điển, Hoa Kỳ, Singapore… đến năm 2020, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, 57 quốc gia đã và đang áp dụng cơ chế thử nghiệm và có 73 loại cơ chế thử nghiệm cho các công ty về phát triển công nghệ tài chính (Fintech).
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: Những năm qua, Việt Nam đã nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn, rủi ro và thách thức liên quan đến nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay già hóa dân số. Trong khi đó, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực ngày càng bất định, khó lường, với sự đan xen phức tạp của những rủi ro an ninh truyền thống và phi truyền thống, khủng hoảng năng lượng, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước đã xác định yêu cầu phải thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, hướng tới cải thiện chất lượng tăng trưởng, năng suất, đổi mới sáng tạo, đồng thời tăng cường mức độ độc lập, tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.
Đặc biệt, theo bà Trần Thị Hồng Minh, trong quá trình ứng phó với dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế, Việt Nam vẫn nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế, mở rộng không gian cho các mô hình kinh tế mới, chứ không chỉ tập trung vào các giải pháp tài khóa - tiền tệ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra những chủ trương, định hướng chính sách và các nhóm giải pháp cụ thể để thúc đẩy các mô hình kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
“Dù vậy, đây mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện quan trọng là phải sớm hiện thực hóa cơ hội và lợi ích từ những mô hình này, để từ đó tạo sức lan tỏa, niềm tin giữa cộng đồng doanh nghiệp và người dân” bà Trần Thị Hồng Minh khẳng định và cho biết: Các thảo luận chính sách ở Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trong thời gian vừa qua đã nhấn mạnh yêu cầu phải sớm có những cơ chế, kể cả ở khung khổ thử nghiệm, để tạo sự yên tâm và tạo thuận lợi cho những ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo của doanh nghiệp.
Trên thực tế, Việt Nam đã phần nào có tư duy và bắt tay vào nghiên cứu xây dựng cơ chế thử nghiệm. Tuy nhiên, quá trình đưa cơ chế thử nghiệm vào thực tiễn đời sống còn khá chậm so với kỳ vọng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những ý tưởng bước đầu về xây dựng cơ chế thử nghiệm năm 2017. Chính phủ cũng thể hiện sự ủng hộ với cơ chế thử nghiệm cho Fintech bằng việc ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP năm 2021 thông qua đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
“Tuy nhiên, cho đến nay, dự thảo Nghị định mới chỉ dừng lại ở bước lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Việc chậm trễ xây dựng Nghị định có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện hoá lợi nhuận và lợi ích cho các doanh nghiệp Fintech và người tiêu dùng trong nước” – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thông tin.
Nhất quán với mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn được Đảng và Nhà nước đặt trọng tâm phát triển trong thời gian gần đây và được nhấn mạnh trong một số văn bản chỉ đạo như Nghị quyết tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Quyết định 1658/QĐ-TTg tháng 10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Mới đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg vào tháng 6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Quyết định đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, thông qua đó đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, một nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, trình Chính phủ vào năm 2023.
Song để thúc đẩy hoàn thiện và áp dụng cơ chế thử nghiệm vào cuộc sống, theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Việt Nam cần xác định các tiêu chí phù hợp cho các doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm, duy trì niềm tin cho người tiêu dùng đối với các dịch vụ và doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm.
Đặc biệt, việc đơn giản hoá thủ tục khiếu nại, xử lý tranh chấp liên quan đến dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm và đa dạng hoá nền tảng xử lý tranh chấp (cả trực tiếp và trực tuyến), có thể sẽ giúp tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng và tạo điều tiết từ “bàn tay thị trường” đối với doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm.
Báo cáo tập trung vào 3 nhóm vấn đề, bao gồm: Thứ nhất, làm rõ khái niệm về cơ chế thử nghiệm, phân tích một số minh nghiệm quốc tế về xây dựng và triển khai cơ chế thử nghiệm trong lĩnh vực Fintech và kinh tế tuần hoàn và nêu lên một số hàm ý chính sách cho Việt Nam; Thứ hai, đánh giá thực trạng phát triển của Fintech và một số mô hình kinh tế tuần hoàn nổi bật tại Việt Nam, qua đó rút ra một số hạn chế, tồn tại về phát triển công nghệ tài chính (Fintech) và kinh tế tuần hoàn nói chung và triển khai công nghệ thông tin nói riêng mà Việt Nam cần khắc phục trong thời gian tới; Thứ ba, đưa ra các kiến nghị chính sách đối với việc xây dựng, ban hành và triển khai công nghệ thông tin. |