Tốp 5 địa phương dẫn đầu gồm Đà Nẵng (68,34 điểm/80 điểm), Đồng Tháp (66,39 điểm), Quảng Ninh (65,75 điểm), Vĩnh Phúc (62,56 điểm) và Lào Cai (61,36 điểm). TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 6 với 61,21 điểm, Hà Nội xếp thứ 24 với 59 điểm, Bình Dương thứ 25 với 58, 89 điểm. Ba địa phương xếp cuối cùng là Lai Châu, Hà Giang và Đắk Nông.
Kết quả này cho thấy lần thứ 6 liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu bảng danh sách. Trung tâm hành chính tập trung của thành phố đi vào hoạt động từ tháng 9/2014 đã phát huy hiệu quả trong việc tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cán bộ, công chức. Ba địa phương đứng đầu của bảng xếp hạng cho thấy có nhiều sáng kiến trong cải cách hành chính như tinh gọn bộ máy, công khai, minh bạch trong đánh giá và lựa chọn cán bộ.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại lễ công bố chỉ số PCI 2015 |
Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch VCCI TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, chưa bao giờ khu vực tư nhân được nhắc nhiều như giai đoạn hiện nay. Đại hội Đảng lần thứ XII mới đây đã khẳng định trong vòng 5 năm tới, kinh tế tư nhân là một yếu tố quan trọng. Khu vực kinh tế tư nhân luôn là một khu vực quan trọng đối với nền kinh tế thị trường Việt Nam cũng như bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Một chỉ báo quan trọng của PCI đó là khu vực tư nhân và DN FDI đã tham gia vào cuộc điều tra nhiều hơn trước. Lần đầu tiên có hơn 11 vạn doanh nghiệp đã góp tiếng nói của mình để PCI có thể đến được với các cơ quan Chính phủ.
Chia sẻ tại lễ công bố, ông Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, đây là lần thứ 11 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Bộ chỉ số đã giúp các địa phương đẩy mạnh khai thác môi trường kinh doanh, tích cực làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, đối tác từ đó có những cải thiện và cách làm sáng tạo để nâng cao thứ tự xếp hạng. “Nhân dịp này tôi xin được chúc mừng những địa phương trong nhóm xếp hạng cao nhất và những địa phương đã tiến bộ trong năm nay. Tôi cũng xin chúc mừng VCCI đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam”, Đại sứ Ted Osius nói.
Đại sứ Mỹ Ted Osius trao đổi với báo chí về chỉ số PCI 2015 |
PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh khác nhau (như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng…) và mức độ hỗ trợ của chính quyền (như tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…) theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương.
Theo VCCI, PCI năm nay nhận được sự phản hồi của 10.158 doanh nghiệp tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 1.823 doanh nghiệp thành lập trong năm 2015 và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 43 quốc gia đang làm ăn tại Việt Nam.
Được thiết kế riêng, phục vụ cho quá trình xây dựng dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), báo cáo PCI 2015 đã dành một chương để phản ánh ý kiến của các DNNVV về môi trường kinh doanh năm 2015 trên cơ sở kết quả khảo sát doanh nghiệp. Một báo cáo riêng chi tiết hơn về những vấn đề mà DNNVV gặp phải sẽ được VCCI hoàn thành và công bố trong năm 2016.
Theo báo cáo, phần lớn DNNVV hình thành từ hộ kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đi lên từ các mô hình sản xuất gia đình, cá thể nhỏ lẻ, khi có cơ hội kinh doanh thì thành lập doanh nghiệp. Khảo sát PCI 2015 cho thấy có tới 77% các doanh nghiệp siêu nhỏ và 69% doanh nghiệp nhỏ đi lên từ mô hình hộ kinh doanh.
Theo thống kê của các nhóm nghiên cứu PCI, việc tăng một điểm của chỉ số tính minh bạch trong PCI sẽ giúp tăng 13% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 17% đầu tư bình quân đầu người và 62 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp. Cải thiện một điểm trong chỉ số đào tạo lao động giúp tăng 30% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 47% đầu tư bình quân đầu người và 58 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp. |
Trình độ học vấn chung của chủ DNNVV tương đối cao và xuất thân đa dạng: Đa phần chủ DNNVV tốt nghiệp đại học (gần 60%). Một số chủ doanh nghiệp từng là lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước (3 - 5%), một số từng làm công tác quản lý tại DNNN (8-11%) và có không ít người đã từng làm nhân viên tại DNNN (14 - 15%).
Báo cáo cũng cung cấp một thực trạng là các doanh nghiệp dân doanh trong nước phần lớn vẫn quẩn quanh ở thị trường nội địa. Chỉ có 3% doanh nghiệp siêu nhỏ, 4% doanh nghiệp nhỏ và gần 9% doanh nghiệp quy mô vừa có khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp ở nước ngoài. Ngay cả các doanh nghiệp lớn trong nước, việc vươn được ra thị trường nước ngoài vẫn ở một tỉ lệ rất khiêm tốn (24%). Kết quả này góp phần lý giải cho tỷ trọng 70,7% của khối doanh nghiệp FDI trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2015.
Đến nay chỉ số PCI được xem là "tiếng nói" quan trọng của các doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư, là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh của Việt Nam. Những năm đầu tiên sau khi công bố, nhiều tỉnh, thành phố đã có phản ứng về chỉ số này nhưng dần dần đã chấp nhận và sử dụng rộng rãi. Theo thống kê của VCCI đã có hơn 40 tỉnh, thành phố sử dụng kết quả PCI để ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, chương trình hành động (của Tỉnh ủy, UBND) nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế.