Công bố INDC của Việt Nam về ứng phó biến đổi khí hậu
Theo đó, INDC được triển khai xây dựng từ tháng 8/2014 và đến ngày 30/9/2015 Báo cáo đã được hoàn thiện và gửi cho Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Việt Nam là bên thứ 74 trên thế giới đã gửi INDC cho UNFCCC trước thời hạn 1/10/2015 .
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ công bố |
Ông Trần Hồng Hà - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết: Thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Báo cáo trên cơ sở phối hợp với các Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và Xây dựng. Trong quá trình xây dựng Báo cáo, hàng chục hội thảo tham vấn cấp quốc gia, cấp ngành về INDC của Việt Nam đã được tổ chức.
INDC của Việt Nam gồm 2 hợp phần: Hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm các đóng góp vô điều kiện và đóng góp có điều kiện so với kịch bản phát thải thông thường (BAU). Các đóng góp vô điều kiện là các hoạt động sẽ được thực hiện bằng nguồn lực trong nước. Trong khi đó, các đóng góp có điều kiện là những hoạt động có thể được thực hiện nếu nhận được nguồn hỗ trợ về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực từ quốc tế; Còn Hợp phần thích ứng với Biến đổi khí hậu tập trung vào thể chế, chính sách, tài chính, nguồn nhân lực và công nghệ cũng như các biện pháp thích ứng ưu tiên cho giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ Việt Nam.
Tại buổi công bố, bà Kirsten Hegener - Phó Giám đốc quốc gia GIZ tại Việt Nam - khẳng định: Việt Nam đã có những đóng góp công bằng và đáng kể trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu, thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia cùng cộng đồng quốc tế chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. INDC của Việt Nam sẽ là đầu vào quan trọng cho quá trình chuẩn bị đàm phán tại COP 21 diễn ra tại Pa-ri (Pháp) vào cuối năm 2015. Không chỉ là một trong 2 đối tác hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng INDC, những năm vừa qua GIZ cũng đã hỗ trợ Việt Nam một số chương trình, dự án liên quan đến giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực như: năng lượng, quản lý rừng bền vững, đa dạng sinh học…
“INDC của Việt Nam sẽ góp phần vào công cuộc giảm phát thải khí nhà kính không chỉ của Việt Nam mà còn trên toàn thế giới” bà Kirsten Hegener nói.
Được biết, các đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được nêu trong INDC tập trung vào các lĩnh vực: năng lượng (gồm cả giao thông vận tải), nông nghiệp (gồm cả sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp) và chất thải. Các đóng góp thích ứng tập trung vào nông nghiệp, tài nguyên nước, lâm nghiệp ở vùng đồng bằng, ven biển, vùng núi và đô thị.
Đến năm 2030 bằng nguồn lực trong nước Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể tiết giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế. Đồng thời Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. |