Ngày 28/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tiền đề quan trọng, là cơ sở pháp lý để tỉnh tiếp tục triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và các dự án đầu tư trong Khu kinh tế, từ đó, khai thác tối đa lợi thế trong việc kiết nối với các địa bàn lân cận, đưa Thái Bình ngày càng phát triển.
Đánh giá cao chất lượng quy hoạch, ông Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng – cho biết: Đây là khu kinh tế ven biển rất lớn với diện tích tự nhiên 30.583 ha, gồm 30 xã và 1 thị trấn thuộc hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải và phần tiếp giáp biển. Xây dựng Quy hoạch không chỉ dừng lại Khu kinh tế, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, đây là tư duy xây dựng phát triển kinh tế theo khu vực lãnh thổ với tầm nhìn dài, đa mục tiêu, gắn phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Tuy nhiên, việc xây dựng và công bố Quyết định mới chỉ là bước đầu, tổ chức thực hiện mới là quan trọng. Do đó, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình và các đơn vị liên quan đảm bảo thực hiện nghiêm túc theo đúng quy hoạch được duyệt, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất trong phát triển, thu hút nhiều các nhà đầu tư đến đầu tư, thu hút dân cư đến làm ăn sinh sống tại các khu chức năng trong khu kinh tế, từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của nhân dân nói riêng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn 2050 |
Tại Hội nghị, đã diễn ra lễ Công bố và trao Quyết định quy hoạch; giao hồ sơ quy hoạch cho UBND tỉnh Thái Bình; trao Quyết định và Hồ sơ quy hoạch; giới thiệu những nội dung chính của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế.
Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng) – cho biết: Theo Quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2025, Khu kinh tế có đất xây dựng các khu chức năng khoảng 18.5000 ha với dân số dự kiến 227.000 người, trong đó, đất khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp và cụm công nghiệp khoảng 8.020 ha, đất khu dân dụng đô thị khoảng 1.410 ha và đất khu du lịch, dịch vụ khoảng 2.345 ha; đến năm 2040, Khu kinh tế có đất xây dựng các khu chức năng khoảng 21.000 ha với đân số dự kiến 300.000 người, trong đó, đất khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp và cụm công nghiệp khoảng 8.020 ha; đất khu dân dụng đô thị khoảng 3.000 ha; đất khu du lịch, dịch vụ tập trung khoảng 3.110 ha. Với định hướng phát triển theo hướng công nghiệp thân thiện với môi trường, Khu kinh tế được hình thành sẽ có các ngành công nghiệp chủ đạo gồm: Công nghiệp công nghệ cao; cơ khí chế tạo động cơ, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, các phương tiện vận tải, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; ngành thời trang, dệt nhuộm, vải cao cấp, may mặc xuất khẩu và nguyên phụ liệu….
Không chỉ tập trung phát triển công nghiệp, Khu kinh tế còn thực hiện quy hoạch và phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, có năng suất chất lượng cao, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, quỹ đất của Khu kinh tế; xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thái Đô, Nam Thịnh, Nam Hưng…. Đồng thời, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội du lịch văn hóa. Ngoài ra, việc phát triển hệ thống giao thông trong khu kinh tế, Thái Bình sẽ thực hiện đầu tư một số tuyến đường bộ, nạo vét luồng lạch các sông, xây dựng mới các bến thuyền du lịch, đầu tư xây dựng cảng biển đủ năng lực tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn đến 50.000DWT (phía biển) và 5.000DWT (phía trong sông) cũng như sử dụng cảng hàng không Cát Bi (Hải Phòng) làm trung tâm vận chuyển hành khách và kết nối các hoạt động logistics theo đường hàng không….
Để Khu kinh tế Thái Bình sớm được triển khai, tạo bước đột phá và trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực trong những năm tới, ông Nguyễn Hồng Diên – Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình – đề nghị, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tổ chức niêm yết công khai các bản đồ định hướng phát triển không gian và các bản vẽ kỹ thuật của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và tại trụ sở các huyện, thành phố. UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo xây dựng và ban hành Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung. Chủ động phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư trong Khu kinh tế với mức ưu đãi phù hợp và hấp dẫn nhất; tạo mặt bằng sạch thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp có năng lực, uy tín vào sản xuất, kinh doanh ổn định lâu dài, có hiệu quả trong Khu kinh tế.
Khẳng định "giúp doanh nghiệp vươn mình để Thái Bình phát triển”, ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Thái Bình cam kết và khẳng định đây sẽ là địa chỉ hấp dẫn, tin cậy với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; luôn lắng nghe và điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư với mức ưu đãi cao nhất trong khu chính sách hiện hành; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút gọn quy trình, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ và thực hiện nghiêm túc “5 tại chỗ”, tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Về phía tỉnh Thái Bình, trong thời gian tới, sẽ tập trung kiện toàn bộ máy quản lý, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Quy hoạch, rà soát điều chỉnh các Quy hoạch có liên quan đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức triển khai lập các quy hoạch chi tiết, khu xây dựng, thiết kế đô thị cho các khu chức năng trong khu chức năng trong khu kinh tế làm cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư…