Công đoàn Công Thương Việt Nam quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới
Tin hoạt động 17/01/2018 16:42
Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị |
Hoàn thành các mục tiêu
Năm 2017, dưới sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) và Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, CĐCTVN đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong ngành bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động; vận động CNVCLĐ trong ngành thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng trong nước, phấn đấu thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ của ngành.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2017, bình quân thu nhập của người lao động toàn ngành Công Thương là 5.985.000 đồng/người/tháng. Hầu hết các đơn vị thanh toán tiền lương đầy đủ, kịp thời cho người lao động. Tuy nhiên, thu nhập của người lao động trong ngành không đồng đều. Khối doanh nghiệp từ doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa phần lớn vẫn áp dụng thang bảng lương nhà nước, thực hiện hệ thống lương tối thiểu, tăng theo quy định, có hệ số phù hợp theo doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đều đáp ứng được mức lương tối thiểu vùng. Các đơn vị trong ngành chi trả chế độ làm thêm giờ, bồi dưỡng công việc độc hại, nặng nhọc kịp thời. Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp thoái hết vốn nhà nước, thông tin thu nhập của người lao động không được công khai do chính sách công bố thông tin của chủ đầu tư mới đã gây cản trở, khó khăn cho tổ chức công đoàn trong việc nắm bắt thông tin, tham gia bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên và yêu cầu người sử dụng lao động nộp kinh phí công đoàn.
Các cấp công đoàn trong ngành đã phối hợp với chuyên môn tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị cán bộ công chức. 100% cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức. 206 doanh nghiệp nhà nước đã tổ chức hội nghị người lao động (chiếm tỷ lệ 97,63% trong tổng số doanh nghiệp Nhà nước). 204 công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn đã tổ chức hội nghị người lao động (đạt tỷ lệ 79,7% trong tổng số công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn).
Đáng chú ý, 490 doanh nghiệp trong ngành đã tổ chức đối thoại tại nơi làm việc với người lao động (đạt tỷ lệ 86,27% so với tổng số doanh nghiệp). 562 đơn vị có quy chế dân chủ (đạt tỷ lệ 98,4%). Một số đơn vị áp dụng hình thức đối thoại gián tiếp thông qua hộp thư đặt tại cổng đơn vị để thu thập ý kiến của CNVCLĐ. Loại hình đối thoại này diễn ra hàng ngày tại nơi làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia ý kiến.
CĐCTVN đã đôn đốc các đơn vị thực hiện đánh giá thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) và Nghị định số 122 về lương tối thiểu vùng; tổ chức các lớp tập huấn và các buổi tọa đàm về “Nâng cao chất lượng TƯLĐTT trong doanh nghiệp” nhằm trao đổi kinh nghiệm về đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT giữa các CĐCTVN, công đoàn cơ sở và công đoàn nước ngoài. Năm 2017, CĐCTVN đã tổ chức 4 lớp tập huấn về kỹ năng thương lượng, ký kết TƯLĐTT, bao gồm: 2 lớp phối hợp với TLĐ và 2 lớp (cơ bản và nâng cao) hợp tác với Công đoàn Kim khí Bỉ.
Ngoài ra, Ban Nữ công công đoàn các cấp chủ động tham gia với Ban chấp hành Công đoàn cùng cấp rà soát lại kết quả thực hiện các chỉ tiêu về công tác nữ công, đánh giá tác động tới phong trào nữ CNVCLĐ đơn vị để trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác nữ công; biểu dương, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đề nghị TLĐ tặng 8 “Kỷ niệm chương Vì sự phát triển của phụ nữ”… CĐCTVN đã thúc đẩy việc thành lập, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công công đoàn các cấp; triển khai Nghị quyết số 12b/NQ-BCH của Ban Chấp hành TLĐ về thành lập Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Năm 2017 cũng là một năm vượt khó của công tác đối ngoại trong bối cảnh phải hạn chế số lượng đoàn ra, số lượng thành viên tham gia đoàn đi công tác nước ngoài cũng như tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn trong nước theo hướng tinh gọn, thiết thực. Việc trao đổi đoàn đã được tổ chức đảm bảo đúng trình tự, thủ tục. Các hội nghị, hội thảo, tập huấn được thực hiện an toàn, hiệu quả với nguồn hỗ trợ tài chính của đối tác nước ngoài. Qua đó, cán bộ công đoàn ngành Công Thương có cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ về mọi mặt như kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thương lượng, kỹ năng tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phương pháp hoạt động công đoàn tại cơ sở đồng thời hiểu biết hơn về những khó khăn, thách thức trong xu thế toàn cầu hóa đối với hoạt động công đoàn.
Hoạt động đối ngoại của CĐCTVN góp phần giới thiệu về đất nước, con người và tổ chức Công đoàn Việt Nam với bạn bè trên thế giới, qua đó, thiết lập và thúc đẩy quan hệ quốc tế của CĐCTVN, đồng thời nhận được sự tài trợ về kinh phí đào tạo cán bộ cũng như nâng cao uy tín của CĐCTVN nói riêng và Công đoàn Việt Nam nói chung, đóng góp vào sự phát triển chung của hoạt động Đối ngoại nhân dân theo đường lối của Đảng.
Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới
Đồng chí Trần Quang Huy - Chủ tịch CĐCTVN |
Đồng chí Trần Quang Huy, Chủ tịch CĐCTVN cho biết thêm, với đặc thù của ngành Công Thương là các doanh nghiệp đã và đang trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước… nên nguy cơ mất việc làm và ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động là hiện hữu. Do đó, hoạt động công đoàn trong tình hình mới hiện nay sẽ có nhiều khó khăn, bởi phụ thuộc vào nhận thức của “ông chủ” mới, đòi hỏi phải có sự đổi mới quyết liệt về chất lượng hoạt động của công đoàn các cấp. Quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh khó khăn do kinh tế phát triển chậm, tiền lương tối thiểu cho người lao động trong doanh nghiệp hàng năm tăng thấp.
Trước tình hình đó, CĐCTVN đã hướng dẫn công đoàn các đơn vị trực thuộc tham gia cùng chuyên môn đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo sự đồng thuận của người lao động tại đơn vị, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người lao động; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia sắp xếp lại lao động, giải quyết chế độ cho lao động dôi dư. Đồng thời giải quyết những kiến nghị, vướng mắc liên quan đến quyền lợi của người lao động; hướng dẫn cơ sở tổ chức đại hội công nhân viên chức, hội nghị người lao động, tham gia rà soát, bổ sung, sửa đổi và ký kết TƯLĐTT phù hợp với những quy định mới.
Thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ghi nhận những thành tích mà CĐCTVN đã thực hiện được trong năm qua. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới và khu vực còn nhiều biến động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển trong nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2017 là năm nền kinh tế nước ta đạt được nhiều thành tựu, các chỉ tiêu kinh tế đều đạt được, có những chỉ tiêu vượt mức như xuất khẩu…, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn thách thức. Những ngày cuối năm 2017, các cán bộ công nhân viên chức của Bộ Công Thương vẫn tiếp tục thực hiện đàm phán về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong đó có cả một chương quy định về người lao động yêu cầu sự đồng thuận của tất cả các nước. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của rất lớn của không chỉ các cán bộ làm công tác công đoàn mà còn tất cả các ban ngành khác. Ngoài CPTPP, chúng ta cũng còn một loạt các hiệp định thương mại khác đang trên đà hiện thực hóa và cần các giải pháp cải cách về chế độ, chính sách đối với người lao động. Thêm vào đó, việc toàn cầu hóa, hội nhập, các doanh nghiệp cổ phần hóa, liên kết... với doanh nghiệp đầu tư nước càng khiến các thể chế, chính sách phải có sự phù hợp. Có thể nói, chưa bao giờ trách nhiệm đối với tổ chức công đoàn lại lớn như bây giờ. Chính vì thế, để làm tốt vai trò trong tình hình mới, cần một sự quyết tâm đồng bộ, gắn bó chặt chẽ các hoạt động công đoàn với các hoạt động kinh tế để có thể hiện thực mọi nhiệm vụ đặt ra trước mắt.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao những thành tích mà CĐCTVN đạt được trong năm 2017 |
Tại hội nghị, CĐCTVN cũng đã đề nghị TLĐ nghiên cứu ban hành hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, mô hình hoạt động, các cơ chế phối hợp giữa công đoàn với chủ sở hữu và tên gọi của các công đoàn tổng công ty đã tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn mà Nhà nước không nắm quyền chi phối hoặc không còn vốn nhà nước.
Nhiều đơn vị đã được nhận Cờ Thi đua do TLĐ và CĐCTVN trao tặng vì những thành tích trong hoạt động công đoàn năm 2017 |